Tăng cường các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn “Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và nâng cao hiệu quả kiểm soát minh bạch công” mới đây, ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục PCTN của Thanh tra Chính phủ đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.
Ông Hoàng Thái Dương cho biết, công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được các thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện trên nhiều nội dung: Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, tiêu cực đã được ban hành và hoàn thiện, triển khai thực hiện qua từng giai đoạn. Pháp luật về PCTN đã dần được hoàn thiện, đặc biệt với việc ban hành Luật PCTN năm 2018. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã tích cực triển khai thực hiện đạt được các kết quả nhất định. Công tác cán bộ được chú trọng, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực. Công tác chống tham nhũng, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua. Nhiều vụ việc tham nhũng bị phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra. Trong đó có nhiều vụ việc lớn, liên quan tới nhiều cán bộ cấp cao đã bị phát hiện và đưa ra xét xử với phương châm không có vùng cấm.
Ngoài ra, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội; vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN, tiêu cực ngày càng được khẳng định và phát huy…
Bên cạnh thành tựu đạt được, công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua còn tồn tại một số bất cập, hạn chế: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN, tiêu cực còn một số hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực có mặt còn hạn chế. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số bộ ngành, địa phương chưa có chuyển biến rõ nét. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN, tiêu cực chưa cao…
Ông Hoàng Thái Dương cho biết, trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm thời gian qua là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác PCTN, tiêu cực.
Tuy nhiên, theo ông Dương, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà đã lan ra cả khu vực ngoài Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Do vậy, tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn mà phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn…
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, Cục trưởng Cục PCTN đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được triển khai trong PCTN, tiêu cực ở Việt Nam, trong đó tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc…
Tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công…
Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân đối với công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp với hoạt động đặc thù của các cơ quan PCTN, tiêu cực; tăng cường kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong chính các cơ quan này. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, triển khai có hiệu quả hoạt động PCTN, tiêu cực ra khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó khẩn trương hoàn thành tổng kết Chiến lược Quốc gia về PCTN và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2030. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thoả thuận hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng….