Tăng cường công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra

Trong năm, Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã tích cực đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra (KLTT), quyết định xử lý về thanh tra với nhiều hình thức khác nhau cũng như tích cực xử lý sau thanh tra. Nhờ đó, nhiều quyết định xử lý từ các năm trở về trước tồn đọng đã được các đơn vị thực hiện.

Article thumbnail
Với nhiều hình thức khác nhau trong việc đôn đốc thực hiện các KLTT, nhiều quyết định xử lý từ các năm trước tồn đọng đã được thực hiện. Ảnh: Minh Tân

Năm 2023, thực hiện định hướng, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh và kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng các cấp, các ngành cũng đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của địa phương, đơn vị theo quy định.

Năm qua, các đơn vị đã thực hiện 97 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính. Nội dung thanh tra chủ yếu là việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và quyền hạn của thủ trưởng các cấp, các ngành; việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước; việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp; việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Qua đó, số cuộc thanh tra, kiểm tra đã hoàn tất là 84 cuộc, tổng số KLTT, kiểm tra đã được ban hành trong kỳ là 117 kết luận với 225 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trên các lĩnh vực với tổng số tiền gần 33,7 tỷ đồng và vi phạm trong quản lý, sử dụng đối với hơn 99.600m2 đất. Riêng Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện 14 cuộc thanh tra, số cuộc thanh tra đã hoàn tất là 8 cuộc, tổng số KLTT đã được ban hành trong kỳ là 41 kết luận với 46 đơn vị được thanh tra.

Trong kỳ, thanh tra các sở, ban, ngành đã triển khai 934 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã ban hành 115 KLTT, kiểm tra và phát hiện trên 500 tổ chức, cá nhân có vi phạm. Tổng số tiền vi phạm phát hiện là gần 1,7 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước là hơn 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, đã ban hành 483 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng; xử phạt bằng hình khác đối với 32 tổ chức, cá nhân.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm qua Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị đã tích cực đôn đốc việc thực hiện các KLTT, quyết định xử lý về thanh tra với nhiều hình thức như: Ban hành văn bản đôn đốc; liên hệ đôn đốc; mời làm việc trực tiếp; kiểm tra trực tiếp; yêu cầu các đơn vị rà soát, báo cáo việc thực hiện...

Ngoài ra, đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp, hỗ trợ trong công tác xử lý sau thanh tra. Nhờ đó, nhiều quyết định xử lý từ năm 2020 trở về trước còn tồn đọng đã được các đơn vị thực hiện.

Trong năm, từ các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền gần 38,8 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi từ các quyết định xử lý trong kỳ là hơn 24 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 88,62% tính trên các quyết định đến hạn thu hồi), thu hồi từ các quyết định xử lý của các năm trước là hơn gần 14,7 tỷ đồng. Số tiền đã xử lý khác là trên 9,1 tỷ đồng, đã khắc phục, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng gần 3.600m2 đất. Đồng thời, tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về các sai phạm đối với  tổ chức và 35 cá nhân, chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện để tiếp tục điều tra làm rõ.

Nhằm đảm bảo việc thực hiện xử lý sau thanh tra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện việc gửi văn bản thông báo cho các đơn vị có liên quan biết về việc nộp ngân sách Nhà nước các khoản thu hồi theo các KLTT theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, thời gian qua, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã được quan tâm chú trọng thực hiện. Hình thức đôn đốc được thực hiện linh hoạt, có hiệu quả và đã tăng cường sự phối hợp của các ban, ngành có liên quan trong việc rà soát, đôn đốc. Từ đó, góp phần tỷ lệ thu hồi của các quyết định xử lý ban hành trong năm (đến hạn) đạt cao, nhiều quyết định xử lý tồn đọng từ các năm trước đã và đang được các đơn vị tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng phần mềm quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra đã đem lại hiệu quả trong công tác xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý chồng chéo, quản lý, theo dõi đoàn thanh tra, theo dõi xử lý sau thanh tra cũng như công tác tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2024 các đơn vị thanh tra trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 6/6/2023 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra. Trong đó, tiếp tục tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý tại các KLTT. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác xử lý sau thanh tra, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và tăng tỷ lệ thu hồi về kinh tế.