Tăng trưởng GDP âm hai quý liên tiếp, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa?
Về mặt kỹ thuật, một nền kinh tế có thể được coi là rơi vào suy thoái nếu ghi 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động mạnh mẽ, nhiều quan chức vẫn giữ quan điểm lạc quan đối với kinh tế Mỹ dù tăng trưởng GDP ước tính âm 2 quý (QI-II/2022).
Động thái tăng lãi suất hôm 27/7 đánh dấu động thái mới nhất trong nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm giảm bớt áp lực lạm phát đã lên mức mạnh nhất trong khoảng 4 thập kỷ. Tại đa số các thị trường, hàng loạt chỉ số chứng khoán đã tăng vọt sau khi FED công bố mức tăng mạnh như vậy. Chẳng hạn tại Mỹ, chỉ số Dow Jones thêm hơn 450 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 4% ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell.
Nhưng FED đồng thời thừa nhận chính sách tiền tệ thắt chặt của cơ quan này có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Tranh luận trên Phố Wall về việc liệu Mỹ có đang trong suy thoái hay không càng trở nên rầm rộ từ khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2022 giảm tốc. Mới đây nhất, Mỹ cũng công bố ước tính dữ liệu GDP quý II ở mức âm.
Suy thoái được xác định như thế nào?
Về mặt kỹ thuật, quy tắc chung không chính thức là suy thoái bắt đầu sau hai quý sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - một thước đo rộng rãi về giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong ba tháng đầu năm, GDP của Mỹ giảm 1,6%. Đế ngày 28/7 (giờ địa phương), Bộ thương mại Mỹ thông báo rằng GDP của Mỹ ghi nhận mức giảm 0,9% trong quý II.
Ngoài GDP, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) cũng xem xét các số liệu việc làm, thu nhập cá nhân, sản xuất công nghiệp và các yếu tố khác để xác định suy thoái. Cơ quan này định nghĩa suy thoái là “một sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”.
Cục Dự trữ Liên bang cũng nêu quan điểm xác định suy thoái không chỉ được định nghĩa thuần túy bởi GDP mà nhấn mạnh bức tranh phức tạp hơn. Ở một khía cạnh khác, thị trường lao động Mỹ vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%, mức thấp gần nửa thế kỷ. Tiền lương cũng đang tăng, 2,7 triệu người đã được tuyển dụng trong nửa đầu năm.
Các chính trị gia và quan chức nói gì?
Các nhà đầu tư lo ngại chiến dịch tăng lãi suất của FED có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng người đứng đầu FED - Chủ tịch Jerome Powell cũng cho biết ngân hàng trung ương sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế để xác định các động thái trong tương lai. “Tôi không nghĩ rằng Mỹ hiện đang suy thoái. Lý do là, có nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt”, ông Powell đề cập đến thị trường lao động Mỹ.
Ông Powell cho rằng, ngay cả khi GDP sụt giảm trong hai quý liên tiếp, ông không coi đó là một cuộc suy thoái. Ông cho rằng thị trường lao động mạnh mẽ là một dấu hiệu cho thấy Mỹ còn lâu mới bước vào một cuộc suy thoái kinh tế thực sự.
Ông Powell nói thêm rằng FED có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong những tháng tới và lưu ý quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai sẽ dựa trên dữ liệu kinh tế sắp có. Ông cũng khẳng định rằng FED sẽ không cung cấp thông tin về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai, đồng thời cho rằng, sự điều chỉnh dựa vào cơ sở tại từng cuộc họp sẽ hợp lý hơn.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Powell, bà Anna Rathbun, Giám đốc đầu tư tại CBIZ Investment Advisory Services, cho rằng mức giảm 1,6% trong GDP quý đầu tiên là thấp “giả” vì các doanh nghiệp bắt đầu tích trữ hàng tồn kho trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Ngoài ra, khi các công ty nhập khẩu nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn, động lực đó sẽ ảnh hưởng đến GDP, ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
Ông Kirkegaard cho hay: “Khi giá cả hàng hóa biến động cao, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát cao, điều đó có thể gây hiểu lầm và tạo ra một cái nhìn quá tiêu cực về nền kinh tế,” Kirkegaard nói, "Chúng ta phải cẩn thận khi nói rằng con số GDP là thước đo hoàn toàn hợp lệ cho sự phát triển kinh tế của đất nước."