Tạo nguồn thực chất, tạo bước tiến vững chắc

Sóc Trăng là một trong số các tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh). Thời gian qua, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tại các khóm, ấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có chủ trương và nhiều biện pháp nhằm tăng cường phát triển đảng viên là người Khmer, đưa mặt công tác này đi vào chiều sâu.

Cách đây hơn 10 năm, các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đảng viên là người Khmer chiếm tỷ lệ chưa cao nên ảnh hưởng khá lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động, nhất là phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong tỉnh. Quán triệt chủ trương của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước đột phá về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên đồng bào Khmer.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng chia sẻ: Những năm gần đây, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Khmer và phát triển đảng viên người Khmer ở Sóc Trăng đã có những bước tiến dài vững chắc. Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các ban đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc... từ tỉnh về đến cơ sở đều có cán bộ, đảng viên người Khmer tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao; quy mô, số lượng, chất lượng đảng viên là người Khmer không ngừng được nâng lên. Đến nay, đảng viên người Khmer có hơn 7.400 người, tăng hơn 10 lần so với thời điểm cuối năm 1992 và chiếm tỷ lệ hơn 15% đảng viên toàn đảng bộ tỉnh.

Tìm hiểu thực tế tại huyện Trần Đề-địa phương có đồng bào Khmer sinh sống chiếm hơn 46% dân số toàn huyện, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy chia sẻ: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy là phải lấy chất lượng làm đầu chứ không chạy theo số lượng. Chính vì vậy, mặc dù có thời điểm công tác phát triển đảng trong đồng bào Khmer gặp nhiều khó khăn nhưng về chất lượng luôn được bảo đảm. Toàn Đảng bộ huyện hiện có hơn 1.200 đảng viên người Khmer, chiếm hơn 35% đảng viên toàn huyện. Đặc biệt là 11/11 xã, thị trấn đều có cán bộ chủ chốt là người Khmer.

Lễ kết nạp đảng viên ở Chi bộ Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: THÚY AN 

Để bảo đảm chất lượng nguồn phát triển đảng, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Đề là sớm quy hoạch, lựa chọn người có uy tín trong đồng bào Khmer. Đồng thời lựa chọn quần chúng ưu tú, chọn người phù hợp để đảm nhiệm các vị trí chủ chốt ở hội nông dân, phụ nữ, thanh niên... Quan điểm là phải chọn người có điều kiện kinh tế cơ bản, nhiệt huyết, quan tâm đến tổ chức. Khi họ quan tâm đến các hoạt động của địa phương, lại có kinh tế gia đình ổn định thì sẽ rất có tiếng nói trong đồng bào.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Đề chia sẻ bí quyết: Phương pháp của Huyện ủy Trần Đề là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi nào có đông đồng bào Khmer, nơi đó cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và người đứng đầu vì khi cán bộ chủ chốt là người Khmer thì sẽ am hiểu, gắn bó mật thiết với người dân địa phương. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, đồng bào có nguồn thu nhập ổn định thì mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và địa phương đều được bà con đồng thuận.

Một trong những khó khăn chung, tác động đến chất lượng, số lượng đảng viên người Khmer ở Sóc Trăng chủ yếu xuất phát từ điều kiện kinh tế-xã hội ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống còn nhiều khó khăn. Con em đồng bào sau khi học xong THPT thường đi làm ăn ở các thành phố lớn. Số thanh niên người Khmer có trình độ học vấn cao thường sẽ chọn những nơi có điều kiện tốt để sinh sống và làm việc...

Từ những khó khăn trên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp để tạo nguồn phát triển đảng viên người Khmer. Trước hết là thông qua những phong trào thi đua ở các tổ chức chính trị-xã hội nhằm tuyên truyền, vận động, phát hiện quần chúng ưu tú, hội viên nhiệt tình với phong trào để giáo dục, bồi dưỡng thêm nhận thức về Đảng. Bên cạnh đó, các địa phương không chỉ tạo nguồn phát triển đảng từ cán bộ cơ sở mà còn chú trọng mở rộng đến các hạt nhân tích cực ở địa phương, như bộ đội xuất ngũ, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân sản xuất giỏi... được lựa chọn để tạo nguồn phát triển đảng và quy hoạch vào các vị trí chủ chốt của đoàn, hội ở khóm, ấp. Nhờ đó mà các địa phương trong tỉnh vừa bảo đảm chất lượng, vừa giải quyết được khó khăn về nguồn phát triển đảng.

Tags: Sóc Trăng
Lượt xem: 40
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết