Tây Ninh: Tập trung phát triển những ngành công nghiệp chủ lực nào?

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được công bố, tỉnh này sắp tới sẽ tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp chủ lực.

Phát triển hàng loạt khu công nghiệp mới

Ngày 5/5/2024 tới đây, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức buổi lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào ngày 29/12/2023.

Trong đó, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Trong quy hoạch trên, đến năm 2030, Tây Ninh sẽ được xây dựng trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Đặc biệt, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tây Ninh cũng phấn đấu là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Trong quy hoạch trên cũng xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: Phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.

Tầm nhìn đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%; dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10,5%/năm; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10%/năm trở lên.

Để đạt những mục tiêu đó, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung phát triển mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Tây Ninh: Tập trung phát triển những ngành công nghiệp chủ lực nào?
Tây Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Tây Ninh).

Ngoài ra, theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh sẽ định hướng bố trí, phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo các trục: Quốc lộ 22; Quốc lộ 22B; Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Đường Hồ Chí Minh; trục ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An. Ngoài ra, Tây Ninh định hướng phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới và mở rộng 1 khu công nghiệp hiện hữu với diện tích khoảng 4.400 ha.

Theo quy hoạch trên, hiện nay, tại tỉnh Tây Ninh các khu công nghiệp đã thành lập gồm: Khu công nghiệp Trảng Bàng (10 ha); Khu chế xuất & Công nghiệp Linh Trung III (203 ha); Khu công nghiệp Thành Thành Công (760 ha); Khu công nghiệp Phước Đông (2.190 ha); Khu công nghiệp Chà Là (42,19 ha); Khu công nghiệp TMTC (108 ha).

Các khu công nghiệp thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, bao gồm: Khu công nghiệp Hiệp Thạnh (573,81 ha); Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn - Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (300 ha).

Các khu công nghiệp có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, bao gồm: Khu công nghiệp Thành Thành Công mở rộng (khoảng 479 ha); Khu công nghiệp Hưng Thuận (khoảng 700 ha); Khu công nghiệp Thạnh Đức (khoảng 2.765 ha); Khu công nghiệp Bến Củi (khoảng 500 ha); Các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (khoảng 2.939 ha); Các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát (khoảng 300 ha). Tổng diện tích của các khu công nghiệp dự kiến thành lập này khoảng 12.050 ha.

Phát triển 6 ngành công nghiệp chủ lực

Trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được tỉnh này công bố. Tây Ninh định hướng phát triển 6 ngành công nghiệp chủ lực, bao gồm: Ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; Ngành dệt, sản xuất sợi vải, nguyên phụ liệu dệt may; Ngành sản xuất, chế biến cao su và plastic; Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; Ngành may mặc - da giày; Năng lượng tái tạo.

Đối với ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, tỉnh Tây Ninh sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, như máy nông nghiệp (dựa trên lợi thế về nông nghiệp có khả năng cơ giới hóa cao), cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử...

Đối với ngành dệt, sản xuất sợi vải, nguyên phụ liệu dệt may sẽ đáp ứng nhu cầu và trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm dệt may của địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp hiện nay đang sản xuất may trang phục trước đây chủ yếu nhập nguyên liệu, nay chuyển sang đầu tư công nghiệp dệt, chủ động được nguồn nguyên liệu, tránh rủi ro, 7 phụ thuộc trong sản xuất và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Đối với ngành sản xuất, chế biến cao su và plastic, tỉnh Tây Ninh sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cao su. Tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm sau cao su, như săm, lốp xe, chi tiết thiết bị, cao su kỹ thuật...

Còn sản xuất, chế biến thực phẩm, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm rau củ, trái cây, sản phẩm chăn nuôi và lâm sản. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm chế biến rau củ, trái cây, thực phẩm theo hướng đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu.

Tây Ninh: Tập trung phát triển những ngành công nghiệp chủ lực nào?
Ngành may mặc - da giày sẽ được tỉnh Tây Ninh chuyển dịch mạnh từ gia công sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. (Ảnh minh hoạ).

Đối với ngành may mặc - da giày sẽ chuyển dịch mạnh từ gia công sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu, kết hợp với sản phẩm đã có năng lực cạnh tranh tốt trên địa bàn như dệt và chế biến da, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao. - Sản xuất, chế biến mía đường và khoai mì, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đối với năng lượng tái tạo, sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện sinh khối...), gắn phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng với các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại; kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường và xây dựng hạ tầng truyền tải để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ, đưa Tây Ninh thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của quốc gia.

Cũng trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được công bố, về phương hướng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, tỉnh Tây Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng đa dạng, chất lượng, hiệu quả, chủ động thúc đẩy thương mại đối ngoại với các tỉnh Campuchia giáp biên giới và thúc đẩy thương mại vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt với TP. Hồ Chí Minh, gắn cơ chế điều tiết quy hoạch sản xuất và thu hút phát triển thương mại.

Cùng với đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho từng mặt hàng gắn với thu hút đầu tư phát triển các hệ thống thương mại, siêu thị hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường; khai thác hiệu quả và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại; phát triển các giải pháp vận tải và dịch vụ logistics đa phương thức phục vụ phát triển thương mại.

Với dịch vụ logistics, tỉnh sẽ phát triển ngành này thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của Vùng Đông Nam Bộ. Tập trung phát triển trung tâm 8 dịch vụ logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, cảng Hưng Thuận và cảng Thanh Phước.

 
Lượt xem: 7
Tác giả: Tiến Phòng