Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Ngày 22/11/2024, tại TP. Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Sáng ngày 22/11/2024, tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, gồm: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Pháp chế, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO); Lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Tây Nam Bộ (TP. Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Ngoài ra, còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; các Tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Điện lực TKV; các khách hàng lớn, Ban quản lý các khu (cụm) công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Tây Nam Bộ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trương Thanh Hoài
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai các Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về chọn lựa nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định: “Các Nghị định trên là các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá để tháo gỡ một số tồn tại của ngành điện trong thời gian vừa qua; đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon, cùng với yêu cầu bắt buộc phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Do đó, các quy định này có vai trò quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện trong những năm tiếp theo.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết thêm, việc ban hành các quy định này xuất phát từ quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đặc điểm kinh tế - xã hội Việt Nam. Bộ Công Thương kỳ vọng các cơ chế mới này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây là các cơ chế mang tính tiên phong và rất mới ở Việt Nam, việc triển khai cần có thêm thời gian để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng hiệu quả và hiệu lực.

Cụ thể, cơ chế mua bán điện trực tiếp cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn. Điều này không chỉ giúp khách hàng chủ động lựa chọn nguồn năng lượng sạch mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cam kết về sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Đối với cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, Bộ Công Thương tin tưởng rằng với cơ chế này sẽ thúc đẩy nhanh chóng đầu tư, phát triển điện mặt trời mái nhà tại nước ta, qua đó sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong những năm tiếp theo.

Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện có sử dụng đất, giải quyết các vướng mắc hiện tại trong quá trình đấu thầu và triển khai dự án. Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai nhanh chóng.

“Dự báo trong các năm tiếp theo, nhu cầu phụ tải điện Việt Nam tăng trưởng rất cao sau khi hồi phục kinh tế, nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện là hiện hữu nếu mỗi địa phương, mỗi vùng miền và toàn quốc không chung tay khẩn trương thúc đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Do đó, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đề nghị các địa phương cần chủ động chỉ đạo, huy động nguồn lực, thiết lập hệ thống giám sát và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới.

Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các cơ chế đi vào thực tiễn. Sự hợp tác đồng bộ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt để đảm bảo ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới.

Lượt xem: 9
Tác giả: Ngân Nga
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.