Thực hiện Đề án 06: Hà Nội đẩy lùi hành vi trốn thuế, lợi dụng chính sách trục lợi

Những kết quả đạt được từ Đề án 06 đã giúp Hà Nội ngăn ngừa tội phạm trong các lĩnh vực như: Trốn thuế, lợi dụng chính sách trục lợi, bảo kê...

Article thumbnail
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án 06. Ảnh: HH

Sáng 28/6, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Hà Nội là địa phương được Chính phủ triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6/1/2022 về Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng. Sau thời gian thí điểm, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả.

Thay đổi nhận thức… “hành là chính”

Báo cáo tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của UBND TP Hà Nội cho thấy, thực hiện Đề án 06, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân, được cập nhật trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã, TP thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử…

Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID; ngân sách TP thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31/12/2024.

Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan Nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như điện, nước, không gian, cơ sở vật chất, giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có khoảng 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp nộp qua VNeID...

Hà Nội cũng đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện chính sách, triển khai các giải pháp đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử, giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với các ngành… 5 tháng đầu năm 2024, TP thu hơn 2.500 tỷ đồng thuế từ các sàn thương mại điện tử.

Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó.

Người dân trên địa bàn thuộc các trường hợp nhận hưởng trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp BHXH hoàn toàn thực hiện việc nhận qua tài khoản nhanh chóng, thuận tiện, không còn mất thời gian đến các điểm giao dịch hoặc trụ sở UBND cấp xã để được nhận chế độ - giảm thời gian đi lại và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe (khoảng 51 tỷ đồng/năm).

Đặc biệt, tính đến ngày 20/6/2024 (sau 2 tháng triển khai), có 64 điểm/bãi đỗ xe thuộc 9/30 quận, huyện (tăng 54 điểm và 7 quận, huyện so với thời điểm trước đó) đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt.

Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 6/6/2024, đã có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền là gần 1,8 tỷ đồng.

Ước tính việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ/năm/64 điểm trông giữ.

UBND TP Hà Nội khẳng định, TP đã cơ bản đạt được các tiêu chí đặt ra, giảm thời gian cũng như chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước trong thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính, dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực thực hiện; giảm thủ tục hành chính; tăng chất lượng phục vụ, công khai - minh bạch mức độ hài lòng.

Đặc biệt, những kết quả trên đã thay đổi thói quen trong việc thực hiện giao tiếp giữa người dân - doanh nghiệp với cơ quan hành chính; làm thay đổi quan niệm đến với cơ quan hành chính là “hành là chính” sang “cung cấp dịch vụ”; thay đổi từ việc “phải đến trực tiếp” bằng “sử dụng công nghệ” để giải quyết các yêu cầu.

UBND TP đánh giá, với kết quả đạt được từ các hiệu quả quản lý thuế - quản lý giao thông đô thị - y tế - dịch vụ công công khai, minh bạch từ đó việc phòng chống tội phạm, ngăn ngừa tội phạm trong các lĩnh vực như: Trốn thuế; lợi dụng chính sách trục lợi, bảo kê... cơ bản được đẩy lùi; công cụ cho việc thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn được thực hiện hiệu quả.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm “chỉ bàn làm, không bàn lùi"

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Sơ kết Đề án 06 tại phòng họp thông minh của TP Hà Nội. Ảnh: HH

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả Hà Nội đã đạt được khi triển khai Đề án 06.

Thủ tướng chia sẻ, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục hành chính đến hết năm 2025. Cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đạt 55,67%; giúp tiết kiệm 10,7 tỷ đồng/năm cho người dân và 6,85 tỷ đồng cho cơ quan hành chính Nhà nước tại Hà Nội.

Cùng với đó, TP đã triển khai phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thủ tướng đánh giá, đây là một giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn, góp phần triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…

Từ kết quả trên, Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội phải luôn quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương Đảng, Thành ủy, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án 06.

Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc, tham gia của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP; phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu toàn thể các cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Đặc biệt, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Hà Nội phải bám sát vào những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.

Chú trọng 5 mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội thời gian tới, trong đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí (về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ); kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp…

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với quyết tâm, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, mang lại nhiều thành công, thắng lợi mới và những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.