Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững

Ngày 17/7, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hậu Giang tích cực tuyên truyền, quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đưa kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thực hiện giảm nghèo là một trong những tiêu chí phân loại, đánh giá đối với các tập thể, cá nhân hằng năm của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Tỉnh triển khai có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh bố trí nguồn lực tài chính cho tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng với đó, Hậu Giang xây dựng lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Trong 10 năm qua, các chương trình tín dụng nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đã giúp cho gần 318 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho gần 8.200 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; thu hút, tạo việc làm cho 32.260 lao động; trên 1.500 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo trên 201 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn vay cho gần 2.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Công tác huy động nguồn lực, đẩy mạnh và mở rộng nguồn vốn cho tín dụng chính sách luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo; tỷ lệ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng tín dụng chính sách trên địa bàn. 

Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.406 tỷ đồng. Hằng năm, ngân sách tỉnh đã cân đối một phần vốn, chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đối ứng cùng nguồn vốn của Trung ương cho vay đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.../.

Phạm Duy Khương

Lượt xem: 3
Tác giả: Phạm Duy Khương
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết