Tìm phương án rút bảo hiểm xã hội một lần hợp lý nhất

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm vẫn là câu chuyện phương án rút BHXH 1 lần nào là hợp lý nhất.

Rút BHXH một lần do phải chờ quá lâu mới nghỉ hưu

Theo các đại biểu Quốc hội, cần có các chính sách để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, nhưng cũng cần có các giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần.

Dự án Luật BHXH sửa đổi đã được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và chuẩn bị được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Dự án luật này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành các nội dung lớn với những điểm mới như sau: Thứ nhất, bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; thứ hai, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; thứ ba, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; thứ tư, giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; thứ năm, quy định về hưởng BHXH một lần.

Trên thực tế, nhiều người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng - do cách tính tiền lương hưu hiện nay là bình quân cả quá trình đóng BHXH nên rất thấp, không đủ sống. Bên cạnh đó, đa số người lao động từ các miền quê lên thành phố làm việc. Những người này xem BHXH như là tiền tiết kiệm. Vì thế, họ thường tính toán để nhận BHXH một lần, do phải chờ đợi quá lâu mới đủ tuổi để nghỉ hưu.

Qua thống kê, số người rút BHXH một lần có xu hướng giảm (80% người lao động ở tuổi 20-40 rút bảo hiểm một lần). Nhiều lao động nhảy việc muốn rút BHXH một lần.

Sau đó khi tham gia vào khu vực có quan hệ lao động, họ tiếp tục quay lại lưới an sinh. Những lao động này thường rơi vào nhóm “dễ tổn thương” do doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Bảo đảm quyền lợi BHXH của người lao động

Hiện tại, dự thảo luật đang thiết kế 2 phương án quy định việc rút BHXH một lần.

Phương án 1: Người lao động chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện được rút BHXH một lần. Nhóm 2 là người lao động tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định rút BHXH một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, mỗi phương án quy định đều có ưu điểm, nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào, đều cần có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động để tiếp tục tham gia BHXH. Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Ngày 15.5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng, về BHXH một lần, đa số người lao động cho rằng, đây là “quyền tài sản”, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động cống hiến, là tích lũy cá nhân. Rút BHXH một lần đã thành thói quen của người lao động khi không còn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Vì vậy, bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại phải cân nhắc thấu đáo.

Việc giảm thời gian bắt buộc đóng BHXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm “chạm” đến lương hưu. Hơn nữa, việc này cũng sẽ giảm được tình trạng rút BHXH một lần, đảm bảo người lao động không “lọt lưới” an sinh khi về già, đồng thời góp phần làm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Lượt xem: 13
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết