TP Hồ Chí Minh: Khơi thông điểm nghẽn đầu tư công

Giải ngân nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) là một trong những nhiệm vụ được chính quyền các cấp ở TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo với nhiều biện pháp quyết liệt.

Cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết tâm khơi thông nguồn vốn ĐTC, tạo động lực để thành phố phát triển bền vững.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn vốn ĐTC theo kế hoạch năm 2022 được phê duyệt lớn nhất cả nước, tổng vốn được giao gần 37.500 tỷ đồng. Nguồn vốn này có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng các công trình trọng điểm, thực hiện các kế hoạch, nội dung, tạo động lực mới để phục hồi kinh tế-xã hội cho TP Hồ Chí Minh sau khi khống chế hoàn toàn dịch Covid-19. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Tính đến đầu tháng 12, tổng số vốn đã giải ngân là 13.935,955 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,2% tổng kế hoạch vốn được giao (37.463,673 tỷ đồng). Đến hết niên độ kế hoạch ĐTC năm 2022 (vào thời điểm ngày 31-1-2023), TP Hồ Chí Minh dự kiến giải ngân nguồn vốn 32.222,8/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86% tổng số vốn giao.

Nguyên nhân giải ngân vốn ĐTC chậm, nhiều vướng mắc được UBND TP Hồ Chí Minh nêu lên là do nguồn vốn ĐTC của thành phố tập trung chủ yếu vào các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Đây là lĩnh vực thường có nhiều khó khăn, như: Giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính; tiến độ thi công chậm; giao kế hoạch vốn chậm; biến động về giá xăng, dầu, nguyên vật liệu...

Tại buổi làm việc mới đây với chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ những vướng mắc, xác định giải pháp giải ngân nguồn vốn ĐTC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh có đóng góp quan trọng, rất lớn đối với tăng trưởng của cả nước, là một đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của đất nước. Có nhiều việc phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển nhưng cần chọn một số việc xử lý trước, đó là giải ngân vốn ĐTC, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm và năm nay. Với TP Hồ Chí Minh, việc giải ngân nguồn vốn ĐTC càng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với thành phố để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn ĐTC, đưa nguồn lực này vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhằm tạo động lực mạnh mẽ, "chạy nước rút" để đạt kế hoạch giải ngân vốn ĐTC, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC năm 2022, thành lập 3 tổ công tác để đôn đốc, giải quyết kịp thời vướng mắc cho các dự án có số vốn đầu tư lớn trong năm 2022; chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường giải ngân vốn ĐTC năm 2022 và vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có điểm mới là yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng sở, ngành nếu để xảy ra tình trạng giải ngân vốn ĐTC chậm. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương... sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn ĐTC năm 2022 do nguyên nhân chủ quan. Các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý (BQL) dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn ĐTC... sẽ bị cắt hợp đồng, phải chịu những chế tài, bồi thường theo quy định.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được UBND TP Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ.  Ảnh: MINH CHIẾN 

Theo đồng chí Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh: Năm 2022, BQL triển khai 38 dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt và đặt ra mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTC, giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn được giao. BQL đang tập trung thực hiện chương trình hành động và chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về giải ngân vốn ĐTC từ nay đến ngày 31-1-2023 kết hợp với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là tập trung khởi công 3 dự án trọng điểm, gồm: Nút giao An Phú (nguồn vốn 3.800 tỷ đồng), mở rộng Quốc lộ 50 (nguồn vốn 1.500 tỷ đồng), xây mới đường Trần Quốc Hoàn (nguồn vốn 4.800 tỷ đồng). Khi triển khai 3 dự án này, giá trị giải ngân vốn ĐTC sẽ tăng mạnh, góp phần vào giá trị giải ngân vốn ĐTC của TP Hồ Chí Minh. BQL là đơn vị được giao nguồn vốn ĐTC lớn nhất của thành phố, trong 3 năm liền hoàn thành hơn 95% kế hoạch giải ngân vốn ĐTC. Tìm hiểu về những kinh nghiệm, giải pháp cụ thể, chúng tôi được biết, những tháng cuối năm 2022, đơn vị này đã phát động chiến dịch thi đua cao điểm, phát huy cao độ thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Các dự án đều có tiến độ chi tiết, kiểm điểm định kỳ theo tuần, tháng. Cán bộ phụ trách dự án phải chịu trách nhiệm cụ thể về tiến độ. Các đơn vị thi công, nhà thầu bị xử phạt nghiêm nếu để vi phạm về tiến độ, chất lượng. Hoạt động giải ngân vốn cho các dự án đều báo cáo thường xuyên với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Một trong những cách làm sáng tạo, linh hoạt mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai trong giai đoạn “nước rút” giải ngân vốn ĐTC là điều chuyển, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân cao, cấp bách đối với yêu cầu phát triển. Những tháng cuối năm 2022, thành phố đã điều chuyển 1.796 tỷ đồng từ 223 dự án giải ngân chậm sang 64 dự án giải ngân cao, cấp bách, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng. Ở khía cạnh thủ tục hành chính trong ĐTC, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương có liên quan đến dự án sử dụng nguồn vốn ĐTC phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đạt ít nhất 30% so với quy định hiện hành. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc điều chỉnh quyết định đầu tư một số dự án ĐTC để kịp thời hoàn thành nhanh các thủ tục.

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết