Trồng trọt, chăn nuôi là giải pháp căn cơ giảm nghèo

Mục tiêu phấn đấu của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Để đạt mục tiêu này, huyện luôn xác định phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi là giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững.

Article thumbnail
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông thoát nghèo từ nguồn hỗ trợ chăn nuôi. Ảnh: Bùi Bình

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi

Những năm qua, các cấp, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã cụ thể hóa các chương trình, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo, trong đó, trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất, hỗ trợ sinh kế về chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2023, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đặt mục tiêu giảm 108 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 30,9%. Để cụ thể hóa mục tiêu, xã đã tích cực vận động nhân dân sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ không hoàn lại và các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo nhằm giúp cho hộ nghèo vừa có mô hình kinh tế vừa có kiến thức thâm canh sản xuất mang lại thu nhập bền vững.

Những năm trước kia, gia đình ông Giàng A Nhà, bản Cồ Dề Sàng, xã Lao Chải thuộc diện hộ nghèo có thâm niên. Năm 2021, gia đình ông Nhà được hỗ trợ 15 triệu đồng từ chính sách phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái. Nhận được tiền hỗ trợ, ông đã tu sửa lại chuồng trại để thực hiện mô hình nuôi lợn đen bản địa với quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt.

Sau 2 năm, trang trại của gia đình ông đã nhân lên thành 60 con, trung bình mỗi năm bán gần 2 tấn lợn thịt và lợn giống cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đã trở thành hộ có thu nhập khá trong xã và mô hình nuôi lợn bản địa của ông được nhiều hộ dân tại địa phương học tập áp dụng.

Ông Nhà cho biết, các hộ nghèo thường thiếu vốn và tư liệu sản xuất, khi được Nhà nước hỗ trợ vốn để phát triển chăn nuôi đã giúp ích rất hiệu quả cho bà con trong phát triển kinh tế. Với giống lợn đen bản địa gia đình ông đang nuôi có khả năng sinh tồn cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít dịch bệnh và nguồn thức ăn sẵn có nên nhiều hộ nuôi được, cùng với đó, giá thịt lợn đen cao hơn so với lợn nuôi công nghiệp nên mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Một trường hợp sử dụng nguồn vốn vay để thoát nghèo khác là hộ Hảng Sáy Rùa, xã La Pán Tẩn. Năm 2020, gia đình ông Rùa được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với tiền được vay, ông đã mua trâu, lợn giống về phát triển chăn nuôi.

Sau 3 năm nỗ lực mở rộng chăn nuôi, đến nay ông Rùa có 6 con trâu và 12 lợn nái, mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Hết năm 2022, gia đình ông Rùa đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá ở bản.

Ông Rùa cho biết, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, chỉ trông vào ít ruộng nương, tài sản đáng giá trong gia đình là 1 con trâu lấy sức kéo, cuộc sống đói nghèo đeo bám nhiều năm. Từ khi có nguồn vốn vay, ông mua thêm trâu giống, lợn giống, nâng cấp mở rộng chuồng trại để nhân đàn nên đã hình thành được mô hình nuôi trâu bán chăn thả và nuôi lợn nái.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (phải) thăm mô hình trồng cây ăn quả. Ảnh: Bùi Bình

Truyền thông khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân

Cuộc sống của người dân ở Mù Cang Chải chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do đó, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi được xác định là giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xác định được giải pháp căn cơ, huyện đã tập trung vận động nhân dân phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ để đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh và thời tiết bất lợi vào sản xuất.

Qua đó, có gần 70 ha đất lúa thiếu nước tưới được thay thế trồng hoa hồng và rau màu hàng hóa, ở các xã Khao Mang, Nậm Có, Cao Phạ đã đã hình thành vùng lúa chất lượng cao trên 700 ha với các giống đặc sản như Séng cù, nếp tan.

Ngoài ra, các dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới đang ngày càng được nhân rộng, hiện tại, huyện có tổng diện tích trồng cây ăn quả gần 180 ha, chủ yếu là lê tai nung, hồng giòn, mận, đào...

Những loại cây trồng mới đã thích nghi với khí hậu, đất đai nơi đây và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế, do đó hàng trăm hộ dân trong huyện lựa chọn mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

Lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa ngày càng phát triển mạnh, toàn huyện hiện đã có 10 tổ hợp tác và hơn 500 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ với trên 44.000 con lợn đen bản địa và gần 50.000 con gà đen đặc sản vùng cao.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải Lương Văn Thư thông tin, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; quan tâm xây dựng các mô hình mới và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục khảo nghiệm và đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, có chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất quy mô lớn. Nhờ đó, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 31 triệu đồng/năm.

Mục tiêu phấn đấu của huyện Mù Cang Chải đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 25%, ít nhất 5 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030, thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, huyện đặc biệt quan tâm đổi mới cách tiếp cận, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động để khơi dậy khát vọng tự vươn lên thoát nghèo của người dân; thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tập trung xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ dân; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng xã, thị trấn, từng bản để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đồng thời, tiếp tục huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nguồn lực từ các cộng đồng cho công tác giảm nghèo.