Xây dựng làng rau Thuận Nghĩa thành điểm du lịch bền vững

Làng rau Thuận Nghĩa tồn tại từ hàng trăm năm nay bên bờ sông Kôn, là biểu tượng văn hóa thuần nông của vùng đất võ Tây Sơn. Làng rau cổ xưa này vừa được UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách tham quan, trải nghiệm.

Article thumbnail
Tại làng rau Thuận Nghĩa có 6 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi. Ảnh: P.B

Chúng tôi trở lại làng rau Thuận Nghĩa (tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) vào những ngày giữa tháng 6 trong tiết trời oi bức, nhưng lại bắt gặp nhiều du khách đến đây tham quan và một cả làng như được nhuộm một màu xanh mướt…

Bà Bùi Thị Hiệp cùng nhiều nông hộ trồng rau đưa chúng tôi đi tham quan và chia sẻ, sau khi được Sở Du lịch Bình Định tập huấn về làm du lịch cộng đồng, từ năm 2021 đến nay, bà con đã biết cách làm cho làng rau Thuận Nghĩa trở thành điểm du lịch kết hợp với sản phẩm nông nghiệp để thu hút du khách đến tham quan ngày càng nhiều hơn.

Chị Hồ Thị Út Hiệp, một du khách đến từ TP Quy Nhơn lên đây tham quan cho biết: Đặt chân đến làng rau cổ này, tôi và nhóm bạn rất thích thú khi ngắm những luống rau của bà con đang sản xuất. Chúng tôi cũng không quên lưu lại khoảnh khắc tươi đẹp bên những luống rau xanh mướt trải rộng về phía chân trời, để có những kỷ niệm đẹp khi đến với làng rau Thuận Nghĩa.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, trong năm 2023, làng rau Thuận Nghĩa ước đón được 3.400 lượt khách đến tham quan. Những tháng đầu năm 2024, đã có hàng nghìn khách du lịch đến đây trải nghiệm. Hiện nay, làng rau Thuận Nghĩa hấp dẫn phần lớn đối tượng học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định về đây thực tế về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, các cây trồng của bà con nông dân sở tại.

Với tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, làng rau Thuận Nghĩa là địa điểm có điều kiện phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và phát triển bền vững huyện Tây Sơn; nhất là cải thiện thu nhập cho người dân nơi đây.

Làng rau Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân, nhưng có đến 224 hộ dân tham gia làm rau sạch, với diện tích 36ha. Trong đó có 19,5ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu "Lá Lành" từ năm 2013.

Đặc biệt, Thuận Nghĩa có vị trí thuận lợi, gần các di tích lịch sử kết hợp di tích văn hóa Champa cổ và dòng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú trên địa bàn huyện Tây Sơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Tại ngôi làng này, có 6 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi của các dòng họ Quách, Nguyễn và Trần. Đây là những tộc họ lâu đời nhất của làng, có công khai khẩn, lập làng Thuận Nghĩa ngày nay. Tại đây, cũng lưu giữ nhiều di tích lâu năm như những cây thị, cây me trên 300 năm tuổi.

Nói về định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Thuận Nghĩa, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, hiện nay, địa phương đang phối hợp với ngành Du lịch tỉnh nỗ lực phấn đấu xây dựng và hình thành điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng mang đậm tính đặc trưng, độc đáo của địa phương.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, Sở đang tập trung hướng đến xây dựng thương hiệu “Du lịch Cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa” gắn với các yếu tố “xanh, sạch, an toàn” để thu hút khách du lịch.

Đồng thời, hướng dẫn người dân vận hành homestay, kỹ năng nghiệp vụ lễ tân - quy trình đón tiếp khách, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên tại điểm du lịch; tư vấn định hướng một số dịch vụ du lịch có thể phát triển tại hộ gia đình, cải tạo, trang trí cảnh quan sân vườn, nhà cửa…

Dự kiến đến năm 2025, làng rau Thuận Nghĩa sẽ thu hút 10.000 lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú (tăng 194,1% so với năm 2023).

Ngoài ra, có thêm kênh tiêu thụ hàng nông sản của nông dân, có 2 - 3 homestay, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ cần thiết của người dân địa phương, góp phần đưa làng rau Thuận Nghĩa trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ổn định, đa dạng sản phẩm du lịch Bình Định; tạo việc làm, tăng giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân địa phương, phát triển sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề nông nghiệp một cách bền vững.