Xây dựng sản phẩm văn hóa cho Hà Nội

Vẻ đẹp của sơn mài Hạ Thái, tài hoa của những nghệ nhân, thợ thủ công của làng nghề truyền thống đang hòa quyện vào nhau trong những sản phẩm văn hóa mới, phục vụ cho cuộc sống đương đại cũng như góp phần vào sức bật của Thành phố sáng tạo Hà Nội.

 Tác phẩm sơn mài "Bóng trăng thu" tạo cảm hứng cho dự án nghệ thuật "Ánh trăng" trong dự án “Moon n Sun - Chạm đến ước mơ”.

Nhiều năm nay làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã  Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã xuất hiện những cụm công nghiệp. Những nghệ nhân lành nghề nơi đây hào hứng nói, tương lai sẽ xây dựng thành “cụm công nghiệp văn hóa” cho Thủ đô. Làng nghề hiện khá “đắt khách”, khi có khá nhiều đơn vị sản xuất các sản phẩm mới phục vụ cho đời sống đương đại, hoặc sản phẩm văn hóa, du lịch tìm đến đặt hàng, cùng phối hợp…

Anh Ngô Quý Đức, người có nhiều năm gắn bó với các làng quê Việt, là người sáng lập ra dự án "Về làng", với mong muốn đưa các giá trị văn hóa của làng quê, của nghề truyền thống, của các sản phẩm thủ công Việt đến với cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới đã rất hào hứng đồng hành cùng nghệ nhân làng nghề và những đơn vị sáng tạo sản phẩm văn hóa, du lịch mới.

“Nhiều năm nay tôi đã chứng kiến khá nhiều đơn vị bắt tay cùng các làng nghề truyền thống để sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa, du lịch. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đã hiện diện ở rất nhiều sản phẩm văn hóa đương đại, làm quà tặng, xuất khẩu... Việc phối kết hợp này góp phần tạo nên yếu tố cung-cầu, vừa góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, vừa sáng tạo, tái sinh những di sản – vốn văn hóa, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đặc biệt là Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo”, người sáng lập dự án Về làng cho hay.

Làm cầu nối cho các tổ chức, cá nhân về làng, và ngược lại đưa làng ra phố, năm nay Ngô Quý Đức đã đồng hành với làng nghề sơn mài Hạ Thái và chị Hoàng Mỹ Liên - một người phụ nữ say mê văn hóa truyền thống với hành trình hơn 20 năm tìm kiếm chất liệu cho những thiết kế ứng dụng thuộc lĩnh vực quà tặng và vật phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc Việt, khởi xướng dự án “Moon n Sun - Chạm đến ước ”.

Đặc biệt, dự án văn hóa lấy cảm hứng từ bức tranh sơn mài “Bóng trăng thu” của họa sĩ Hoàng Hữu Vân – một trong những thành viên của nhóm Sơn ta (nhóm họa sĩ đam mê và dành tâm huyết bảo tồn và phát huy nghệ thuật sơn mài, sơn ta Việt Nam).

Một trong những sản phẩm trong dự án lấy ý tưởng từ bức họa được nghệ nhân làng sơn mài Hạ Thái chế tác. 

Họa phẩm “Bóng trăng thu” của họa sĩ Hoàng Hữu Vân gợi về một đêm trăng rằm tháng Tám, với hình ảnh bé gái đang ngước đôi mắt trong veo nhìn lên bầu trời và những hình ảnh quen thuộc của một Trung Thu ký ức: Chị Hằng, chú Cuội, bánh nướng, bánh dẻo, múa lân, rước đèn… Tất cả là không gian của hoài niệm, đưa người xem trở lại không khí và hương vị Tết Trung thu trong hoài niệm của nhiều người Việt.

Câu chuyện giản dị về một đêm trăng đoàn viên ánh lên trong mắt trẻ thơ, hay trong nỗi niềm của những người trưởng thành hướng về gia đình, quê hương, nguồn cội đã được các nhà thiết kế trẻ tuổi đưa vào bộ sưu tập “Ánh trăng” thuộc dự án “Moon n Sun - Chạm đến ước ”.

Chị Hoàng Mỹ Liên cho biết, bộ sưu tập “Ánh trăng” với hộp sơn mài được thực hiện bởi những người thợ lành nghề của làng sơn mài Hạ Thái. Để triển khai dự án, chị đã kết hợp cùng các họa sĩ, nghệ sĩ, những nhà sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, phối hợp cùng các làng nghề, nghệ nhân… lựa chọn “nguyên liệu văn hóa” phù hợp để tạo ra một sản phẩm mang hương vị truyền thống của bánh trung thu do các nghệ nhân ẩm thực chế biến. Đây chính là điểm chạm cảm xúc giữa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.

 Nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái được sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa mới làm quà tặng.

Bên cạnh những chiếc hộp được chế tác từ sơn mài Hạ Thái tinh tế, nhiều mẫu mã khác cũng trở thành những sản phẩm văn hóa, du lịch ấn tượng. Có thể là chiếc đèn lồng mang họa tiết hoa sen, ngôi sao, ánh trăng… được các nghệ nhân làng nghề chế tác tinh xảo.

Cũng theo anh Ngô Quý Đức chia sẻ, Hà Nội nổi tiếng với hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống nhưng tại các điểm đến của Thủ đô lại thiếu những sản phẩm lưu niệm “đặc sản”. Việc tổ chức, cá nhân nào có tâm huyết sáng tạo, tái sinh những yếu tố văn hóa để đưa nên những sản phẩm văn hóa mới đều đáng trân trọng. Hơn hết là cần sự chung tay của nhiều ngành nghề và cộng đồng.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết