Xóa “bất bình đẳng ngược” trong ưu tiên

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực theo Quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022. Như vậy, năm nay sẽ không còn hiện tượng thí sinh có điểm xét tuyển “vượt trần” (quá 30 điểm/3 môn) hay cảnh thí sinh dù làm bài thi hoàn hảo, đạt 30/30 điểm vẫn trượt đại học.

Câu chuyện “bất bình đẳng ngược” trong cộng điểm ưu tiên khiến nhiều năm nay, chính sách này đều được đem ra “mổ xẻ” vào mỗi kỳ thi. Gần 40 năm qua, chính sách cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi trung học phổ thông để làm căn cứ xét tuyển đại học luôn là chính sách rất nhân văn. Mục tiêu tạo công bằng cho vùng, miền do điều kiện tiếp cận giáo dục phổ thông chưa đồng đều; tăng cơ hội tiếp cận đại học của những thí sinh thuộc vùng có sự phát triển kinh tế-xã hội thấp, khó khăn.

 Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, nó đã gây ra không ít chuyện dở khóc dở cười khiến nhiều trường buộc phải loại thí sinh khá, giỏi để nhận những thí sinh kém hơn. Mặt khác, chính sách cũng bị không ít người lợi dụng. Trong cuộc đua vào đại học, nhiều trường hợp đã “chạy” hộ khẩu để lấy điểm ưu tiên. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất là 3 điểm; giai đoạn 2004-2017, cộng nhiều nhất là 1,5 điểm. Từ năm 2018, số điểm này được điều chỉnh giảm thêm lần nữa, cao nhất là cộng 0,75 điểm cho mọi đối tượng thuộc khu vực 1. Dù mức điểm ưu tiên đã giảm nhiều nhưng cơ chế cộng điểm này vẫn bộc lộ bất cập. Theo một khảo sát ở Đại học Bách khoa Hà Nội, hơn 40% thí sinh trúng tuyển của 4 năm trở lại đây là nhờ chính sách ưu tiên, nghĩa là nếu không có điểm ưu tiên thì những thí sinh này sẽ trượt đại học. Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng nhưng tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp, dẫn đến học sinh khu vực 3 thành yếu thế. Rất nhiều thí sinh ở Hà Nội trượt chỉ vì thiếu đúng 0,05 điểm, buộc các em phải bước sang một ngã rẽ khác trong nuối tiếc.

Cho đến nay, điều kiện học tập ở các vùng/khu vực vẫn có sự chênh lệch. Việc điều chỉnh chính sách lần này vẫn hướng tới hỗ trợ học sinh vùng khó, nhưng đã phần nào tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác trở thành nhóm thiệt thòi. Với cách điều chỉnh mới này, thí sinh các khu vực được cộng điểm ưu tiên thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm ưu tiên giảm dần. Chẳng hạn, học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 điểm trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Dù lý do chọn ngưỡng điểm 22,5 để tính vẫn là câu chuyện còn phải bàn, nhưng dẫu sao cũng tạo ra sự công bằng hơn trong việc cạnh tranh ở những trường tốp đầu. Cùng với điều chỉnh chính sách điểm ưu tiên, các trường đại học cũng cần chủ động xây dựng phương án tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi của mọi thí sinh. Những ngành hút thí sinh, trường có thể dành một nửa chỉ tiêu cho những thí sinh có điểm cao nhất (không cộng điểm ưu tiên), chỉ tiêu còn lại cho những thí sinh được phép cộng điểm ưu tiên.

Điểm ưu tiên khu vực có lẽ chỉ có giá trị lịch sử trong một giai đoạn nhất định. Khi đầu tư cho ngành giáo dục ngày càng nhiều hơn, chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ hơn, cùng với sự đồng hành của những chính sách khác... thì khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền theo đó thu hẹp lại. Trong 20 năm qua, điểm ưu tiên khu vực đã giảm tới 4 lần. Đó là tín hiệu vui. Hy vọng tương lai gần, câu chuyện điểm ưu tiên sẽ không còn là vấn đề mang ra so bì mỗi mùa tuyển sinh.

Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.