“Biến rác thành tiền” giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Hàng ngày, các hội viên trong các chi hội phụ nữ thôn ở xã Phước Thuận và Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận lại đến các hộ gia đình hay đi dọc các tuyến đường trong khu dân để thu gom phế liệu, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Miệt mài công việc “không lương”
Từ 3 năm trở lại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ninh Phước đã thành lập mô hình “Biến rác thành tiền”, thu hút đông đảo hội viên và người dân hưởng ứng, tham gia.
Dù nắng hay mưa, hễ có người gọi cho ve chai, giấy vụn… là các hội viên trong Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước lên đường đi thu gom; hoặc những lúc rảnh rỗi lại đi dọc các tuyến đường ở thôn để nhặt phế liệu, sau đó mang đến điểm tập kết chung để bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Vừa phân loại phế liệu, chị Nguyễn Thị Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa vừa cho hay, từ tháng 7/2021, hội phụ nữ xã Phước Thuận chúng tôi đã triển khai thành lập mô hình tổ thu gom phế liệu tình thương “Biến rác thành tiền”.
Công việc của các chị em trong chi hội xuất phát từ tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
Chị Ninh vui vẻ nói: “Mặc dù việc không lương, nhưng mọi người ai cũng phấn khởi, ai nấy đều tự giác gom, chưa bao giờ các chị em than mệt hay kể công với đời, bởi trong họ luôn mang trong mình sự hy sinh cho cộng đồng, góp công sức để giúp đỡ hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Năm học mới 2023 -2024 chuẩn bị bắt đầu, các hội viên cũng đang “tăng tốc” thu gom phế liệu để bán lấy tiền mua vở, dụng cụ học tập để tặng cho các em học sinh khó khăn”.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình “Biến rác thành tiền” tại xã Phước Thuận đã phát huy hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của người dân, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra khu dân cư như trước đây đã hạn chế.
Chị Ngô Thị Thủy Tiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thuận cho biết, thời gian đầu chỉ có vài hội viên tham gia, nhưng dần dần, nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, từ 20 hội viên đến nay đã tăng lên 35 hội viên, nguồn quỹ được duy trì hơn 6 triệu đồng/năm.
Cứ 3 tháng một lần, các hội viên sẽ gom phế liệu đến nhà chi hội trưởng hoặc hội trường thôn, ban quản lý thôn để bán lấy tiền mua các nhu yếu phẩm như đường, dầu ăn, bột ngọt,… có khi số tiền tích lũy nhiều, các hội viên sẽ mua thêm gạo tặng cho các hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Tiên nói: “Hiện nay, xã Phước Thuận đã nhân rộng mô hình “Biến rác thành tiền” thêm ở thôn Vạn Phước, thời gian tới sẽ phát triển mô hình này ra các thôn khác tại xã”.
Từ ý nghĩa này, phong trào tổ thu gom phế liệu tình thương “Biến rác thành tiền” cũng được Chi hội Phụ nữ thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn triển khai từ tháng 7/2022, với 7 hội viên tham gia.
Trung bình 3 tháng, nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu của các hội viên được khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền này được các hội viên mua các nhu yếu phẩm, gạo... để hỗ trợ cho các hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa trao những phần quà gồm nhu yếu phẩm và gạo cho bà Lê Thị Xuân Hương. Ảnh: Khoa Lê |
Lan tỏa yêu thương bằng phế liệu
Tuy số tiền tích lũy từ mô hình “Biến rác thành tiền” của các chi hội phụ nữ ở xã Phước Thuận và Phước Sơn không lớn, nhưng qua đó, các hội viên đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Bà Lê Thị Xuân Hương (57 tuổi), ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận chia sẻ: Trước đây, chồng tôi là lao động chính trong gia đình, nhưng cách đây 7 năm, ông ấy bị tai biến nằm liệt một chỗ, kinh tế gia đình từ đó dần kiệt quệ.
Nhờ có các chị em phụ nữ ở thôn thường xuyên quan tâm đến thăm hỏi, tặng quà mà gia đình được phần nào giảm bớt gánh nặng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự cũng được các chị em giúp đỡ nhiệt tình. Khi vào năm học mới, các chị em còn tặng vở, dụng cụ học tập cho các cháu học sinh khó khăn nữa.
Hành động của các hội viên không chỉ góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mà còn giúp chị em trong thôn gắn kết với nhau.
Chị Mai Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Ninh Phước cho biết, thông qua mô hình, hội viên phụ nữ tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn và mang đến bãi tập kết đúng quy định để bán cho cơ sở thu mua phế liệu.
Từ nguồn bán phế liệu, mỗi chi hội thu được trung bình khoảng 300.000 - 450.000 đồng. Số tiền tích lũy từ mô hình “Biến rác thành tiền” không lớn, nhưng thông qua mô hình, hội viên phụ nữ tạo được thói quen tiết kiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình “Biến rác thành tiền” gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực và được hưởng ứng tích cực, bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương, lại đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện.