“Chấm điểm” cán bộ, công chức

Thời gian qua, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải xử lý những cán bộ, công chức nếu để dân không hài lòng.

Cụ thể là nếu cá nhân nào bị phản ánh không hài lòng, khi xác minh là đúng sẽ hạ thi đua quý và năm, thậm chí là chuyển đổi vị trí, không thực hiện công tác tiếp dân nữa... Đây là một chủ trương kiên quyết để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào tổ chức đảng và chính quyền.

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp “chấm điểm”, đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức. Ở các phường có những ki ốt màn hình khảo sát ý kiến, hay có đường link khảo sát riêng được dán mã QR tại mỗi quầy. Đây là việc làm rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, hiệu quả của nó chưa mang lại kết quả như mong muốn. Thứ nhất, người dân, doanh nghiệp còn e dè trong đánh giá, nhận xét vì sợ bị gây khó dễ nếu lần sau có việc phải đến cơ quan công quyền. Thứ hai, còn khá đông người dân chưa am hiểu về công nghệ, thủ tục nên khó thực hiện được các thao tác. Thứ ba, những ý kiến của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo mật cao.

 Ảnh minh họa: Thanh ủy TP Hồ Chí Minh

Trên thực tế, cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết các công việc với dân không ít lần làm cho người dân buồn lòng, bức xúc và cả phẫn nộ vì thái độ không đúng mực, hay có những hành vi tiêu cực, gây ức chế. Một số người còn hạch sách, quát nạt, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết ý kiến, khiếu nại của dân. Có tình trạng cán bộ tự đặt thêm thủ tục hành chính để vòi vĩnh, đặt giá, hoặc giới thiệu các đơn vị làm dịch vụ với giá cao để chia nhau phần chênh lệch. Đặc biệt, còn có sự cấu kết của một bộ phận cán bộ, công chức giữa các đơn vị, các ngành với nhau, tạo thành nhóm lợi ích để thao túng, tìm cách làm sai quy định, lách luật để hưởng lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. 

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã đưa ra yêu cầu liên quan đến việc tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ công tác chọn mẫu khảo sát đo lường sự hài lòng tại địa phương mình. Từng bộ, ngành, địa phương phải ban hành các tiêu chí cụ thể hơn để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, trong đó cần xây dựng quy định chi tiết với cán bộ, công chức bị nhiều người dân đánh giá không hài lòng để xác định trách nhiệm, xử lý chính xác, đồng thời xây dựng trang web cho người dân đánh giá và phải bảo mật tuyệt đối ý kiến của người dân.

Vấn đề cần quan tâm là việc tổng hợp ý kiến để xử lý cán bộ, công chức qua "chấm điểm", đánh giá của người dân phải rất thận trọng, khách quan, minh bạch và điều tra thật cụ thể, kỹ càng, tránh việc người dân, doanh nghiệp nhận xét, đánh giá không chính xác dễ dẫn đến oan sai. Sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng hàng đầu để đánh giá phẩm chất đạo đức và năng lực công tác của cán bộ, công chức. Đó cũng là một căn cứ rất cần thiết để cán bộ, công chức nhìn nhận lại mình, qua đó sửa chữa, phấn đấu tốt hơn. Đừng để người dân không hài lòng từ những chuyện nhỏ mà dẫn đến mất lòng tin vào bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị, xa hơn là giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Tags: công chức
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết