“Màu xanh” trong bức tranh năng lượng Thái Lan
Sau nhiều năm chững lại, Thái Lan đang thể hiện quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu còn tác động sâu sắc.
Vừa qua, Chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch mua khoảng 5GW điện của các nhà máy sản xuất điện từ khí sinh học, năng lượng gió và mặt trời. Đây được coi là chương trình biểu giá điện đầu vào lớn nhất cho đến nay của Thái Lan, dự kiến góp phần tăng gấp đôi công suất năng lượng gió và mặt trời ở xứ chùa vàng vào đầu thập kỷ tới. Mặt khác, chính quyền Bangkok cũng lên kế hoạch cho một đợt mua mới với công suất gần 4GW điện từ năng lượng tái tạo vào cuối năm nay. “Thái Lan buộc phải suy tính lại chiến lược năng lượng tái tạo của mình, sau khi giá khí đốt tự nhiên tăng cao vào năm ngoái”, Bloomberg dẫn lời Giám đốc Văn phòng Kế hoạch và Chính sách năng lượng Thái Lan Wattanapong Kurovat nêu rõ.
Thậm chí kế hoạch phát triển năng lượng tiếp theo của Thái Lan dự kiến còn tham vọng hơn nữa nhằm tránh lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo Bloomberg, nước này quyết tâm đưa năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện vào năm 2037, so với mức 20% trong chương trình hiện tại. Những điều chỉnh đó còn giúp quốc gia Đông Nam Á có thể hoàn thành các mục tiêu về khí hậu, bao gồm cắt giảm 30-40% lượng khí thải vào năm 2030, hướng tới đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2065.
Trước xu hướng giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, một số quốc gia ứng phó bằng cách đầu tư thêm vào các mỏ than hoặc khí đốt tự nhiên, trong khi những nước như Thái Lan xem xét tới phương án nhân rộng số lượng pin mặt trời hoặc turbine gió. Đơn cử, theo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch phát triển thêm 2.725MW điện mặt trời từ các trang trại nổi, được xây dựng tại 9 nhà máy thủy điện của Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT) trên khắp cả nước.
Một góc trang trại điện mặt trời nổi trên đập Sirindhorn tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Đồng thời, EGAT còn đặt mục tiêu đầu tư 399 tỷ baht (tương đương 8,7 tỷ USD) để tăng công suất phát điện từ những trang trại điện mặt trời trên lên 10GW vào năm 2037. Ngược lại, Thái Lan cũng chủ động giảm khai thác khí đốt. Bloomberg cho hay, sản lượng tại Erawan-mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất Thái Lan-đã giảm 64% vào năm 2022, khi tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ bàn giao mỏ này cho công ty dầu khí nhà nước PTT của Thái Lan.
Nhiều năm qua, Thái Lan ưu tiên dùng khí đốt tự nhiên, trong đó có khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, coi đây là nhiên liệu chuyển đổi nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, trước khi sử dụng sang các nguồn sạch hơn. Trong một báo cáo thống kê về năng lượng thế giới, tập đoàn dầu khí BP của Anh ước tính tại Thái Lan, khoảng 60% nguồn năng lượng sơ cấp để phát điện dựa vào khí đốt tự nhiên. Khi giá LNG giao ngay “nhảy múa” vào năm 2022, chi phí điện cũng theo đó mà đội lên cao, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Thái Lan. Trong nỗ lực kiềm chế hóa đơn tiện ích tăng vọt, EGAT phải gánh khoản chi phí lên tới 150 tỷ baht chỉ riêng trong năm ngoái. Giá điện cũng là vấn đề mà các đảng chính trị Thái Lan tập trung vào để giành ảnh hưởng trong cuộc bầu cử mới đây.
Sự cấp bách trong chuyển đổi năng lượng tái tạo được gọi là bước đi đảo ngược của Thái Lan. Tuy nhiên, nước này thực tế đã có những bước chuẩn bị để đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Năm 2012, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên ở châu Á giới thiệu chính sách hỗ trợ giá bán điện được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (FiT) nhằm cho phép các công ty được trả thêm những khoản tiền bên ngoài giá bán điện bình thường khi bán điện cho nhà nước. Sau đó, Thái Lan cũng là một trong những nước đầu tiên ở khu vực áp dụng biểu giá FiT vào năm 2016 để bán lên lưới điện hoặc sử dụng tại chỗ.