100% văn bản quy phạm pháp luật phát hiện sai phạm qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý

Đó là mục tiêu được đề ra tại kế hoạch cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ký ban hành.

Article thumbnail
Cải cách thủ tục hành chính là mục tiêu lớn của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: https://diendandoanhnghiep.vn/

Kế hoạch có mục đích, yêu cầu là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025; duy trì và nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI); cải thiện và nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cải cách hành chính gắn với cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính trong từng lĩnh vực; xác định rõ kết quả, thời gian hoàn thành, phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong cải cách hành chính; tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện; đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.

Kế hoạch đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được cụ thể hóa hoặc triển khai kịp thời; 100% văn bản quy phạm pháp luật phát hiện sai phạm qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; 100% văn bản quy phạm pháp luật được xử lý hoặc kiến nghị xử lý sau rà soát.

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành được rà soát, đơn giản hóa.

Hoàn thành việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục triển khai hiệu quả tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu công việc và vị trí việc làm; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ.

100% các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin ngân sách theo các hình thức quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó; 40% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Kế hoạch đề ra các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trong cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, cây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền về cải cách hành chính.