23.000 người Hà Nội vẫn phải sơ tán vì ngập lụt
Lũ trên các sông rút chậm nên hiện Hà Nội vẫn còn 23.000 người dân phải sơ tán vì ngập lụt, tập trung tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa…
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Hà Nội cho biết, sáng sớm nay (17/9), mực nước sông Cà Lồ tại Trạm Thủy văn Mạnh Tân (huyện Đông Anh) ở mức 6,95m, trong khi mực nước báo động lũ cấp II là 7m.
Căn cứ mực nước thực đo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội lệnh rút báo động lũ cấp II trên sông Cà Lồ vào hồi 0h ngày 17/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn.
Đáng chú ý, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 23.000 người phải sơ tán vì ngập lụt, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa...
Các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người dân bị ngập lụt, nơi sơ tán vượt qua khó khăn.
Những ngôi nhà ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ vẫn chìm trong biển nước. Ảnh: HH |
Tại huyện Chương Mỹ, sáng nay vẫn còn 58 thôn thuộc 12 xã ven sông Bùi, 3 xã ven sông Đáy bị ngập nước, ảnh hưởng đến 5.232 hộ dân, 23.452 người.
Để bảo đảm an toàn, ngành Điện buộc phải tạm ngừng cung cấp điện tại 3.384 hộ dân có nhà ở ngập sâu; 2.112 hộ, 8.860 người sơ tán, chưa trở về nhà…
Hỗ trợ người dân Chương Mỹ vượt qua những ngày ngập lụt, Sở Y tế Hà Nội đã hỗ trợ 27.000 lọ/tuýp thuốc kháng sinh đường ruột, điều trị tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa, sát khuẩn, điều trị da liễu, nấm ngoài da, viêm da, viêm da tiếp xúc và thuốc nhỏ mắt…
Thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc; 96 thùng lương khô. Huyện Quốc Oai hỗ trợ 2 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 200 chai nước mắm, 100 bình nước uống loại 5 lít/bình. Con em quê hương Chương Mỹ ủng hộ 72 triệu đồng, Công ty Sơn Hà ủng hộ 150 triệu đồng…
Tại nơi “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ: Mực nước trên địa bàn xã vẫn đang cao, nước rút rất chậm. Từ 11/9 đến nay, nước mới chỉ rút được khoảng 20cm, hiện mức nước vẫn đang cao hơn 1m.
Do ngập sâu trên cả một vùng rộng lớn nên mực nước rút không được là bao. Dự kiến, nếu trời nắng ráo cũng phải tầm 10 ngày nữa nước trên địa bàn xã Nam Phương Tiến mới rút hết được. Nhưng, theo dự báo, Hà Nội lại sắp mưa to đến rất to, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, cuối tuần này có thể đón 1 trận bão mới nên tình hình ngập lụt có thể kéo dài hơn.
Xã Nam Phương Tiến đang nỗ lực, cố gắng lo cho người dân ở nơi sơ tán có điều kiện sống tốt nhất. Ảnh: HH |
Chủ tịch xã Nam Phương Tiến cho biết, xã có tổng số hơn 800 hộ dân thì có hơn 700 hộ vẫn đang phải đi sơ tán. Do nước ngập sâu, nên đến nay các trường học ở trên địa bàn xã vẫn chưa thể đón học sinh quay trở lại trường.
Xã đang có phương án, từ ngày mai (18/9), mượn các phòng để cho học sinh tiểu học học tập trung còn với học sinh THCS sẽ học online.
Cùng với sự quan tâm của thành phố và các đoàn cứu trợ, xã đang nỗ lực, cố gắng lo cho người dân ở nơi sơ tán có điều kiện sống tốt nhất. Trong hoàn cảnh khó khăn, bà con trong xã đã “nhường cơm sẻ áo”, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau.
Sáng 17/9, Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy xuống rất chậm.
Cụ thể, lúc 1h sáng nay (17/9), mực nước thực đo trên sông Đáy tại Trạm Thủy văn Ba Thá (huyện Ứng Hòa) ở mức 6,6m, trên báo động lũ cấp II là 10cm; sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 7,63m, trên báo động lũ cấp III là 63cm; sông Tích tại Trạm Thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức 8,57m, trên báo động lũ cấp III là 57cm.
Dự báo đến 19h tối nay, mực nước sông Đáy ở mức 6,45m, giảm 15cm so với lúc 1h cùng ngày; sông Bùi ở mức 7,5m, giảm 13cm; sông Tích ở mức 8,45m, giảm 12cm.
Với tốc độ lưu thoát như hiện nay và lưu vực không xảy ra mưa lớn, dự báo các khu dân cư sinh sống vùng ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ còn ngập lụt sâu trong 5 - 7 ngày tới; vùng ven sông Tích khoảng 3 - 5 ngày; sông Nhuệ khoảng 1 ngày…