Bạc Liêu nhận bằng Di tích Quốc gia với Địa điểm trận Giồng Bốm
Ngày 15/4, tỉnh Bạc Liêu đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm trận Giồng Bốm.
Trong không khí trang nghiêm tự hào, đông đảo cán bộ chiến sĩ, Nhân dân và bà con tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Gang đã đến dự buổi lễ tại Thánh Thất Ngọc Minh, thuộc xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu để đón nhận bằng Di tích Quốc gia.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, trận Giồng Bốm năm 1946 là trận chiến vô cùng ác liệt, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ, song với lòng quả cảm của các chức sắc, chức việc, đạo tâm của toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, nhất là theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, tất cả lực lượng đã xông lên chiến đấu và tiêu diệt hàng trăm sinh lực địch.
Đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Trận đánh đã gây tiếng vang và ấn tượng mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân, chi phái Cao Đài và tôn giáo bạn mang tâm hồn dân tộc, làm nung nấu tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc.
Dù phía ta bị tổn thất khá nặng nề, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống thực dân xâm lược của các tín đồ, chức sắc, chức việc của Cao Đài Minh Chơn Đạo trong trận Giồng Bốm đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tinh thần hiếu chiến và kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm chậm bước tiến tái xâm lược của chúng.
Đồng thời, qua đó đã khơi dậy, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung đứng lên chống đế quốc, thực dân xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng còn non trẻ.
Gắn liền chí sĩ nghĩa khí Nam Bộ
Địa linh Bạc Liêu sinh ra một nhân kiệt mà vào đầu thế kỷ 20 đã nổi danh khắp Nam Bộ, đó là nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát (1889 - 1956). Nhắc tới Giồng Bốm, người dân nghĩ ngay đến nhân vật lịch sử Cao Triều Phát, một trí thức yêu nước đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp kháng chiến ở Nam Bộ, trở thành lãnh tụ tôn giáo, là thành viên của Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam.
Ngay thời điểm Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, thực hiện lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp tái xâm lược lần thứ 2, cụ Cao Triều Phát khi đó là quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài - Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, Tổng trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang, Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa I, đã chủ trì cuộc “Khoáng đại hội nghị” tại Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm.
Hội nghị đã thống nhất lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để kháng chiến chống thực dân Pháp, suy tôn cụ Cao Triều Phát làm Tổng chỉ huy. Tại hội nghị, cụ Cao Triều Phát ra lời hiệu triệu và động viên các chức sắc, chức việc, thanh niên đoàn đạo đức “Cứu nước là cứu đạo”, hưởng ứng Ngày Nam Bộ kháng chiến bằng hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà, của từng họ đạo trong toàn phái Minh Chơn Đạo.
Trên cương vị người tổng chỉ huy của trận đánh, cụ Cao Triều Phát đã xây dựng tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. “Mặt trận Giồng Bốm” với vài vũ khí thô sơ, giáo mác tầm vông, đã đối đầu với 2 tiểu đoàn viễn chinh của Pháp dưới sự yểm trợ đắc lực của không quân và pháo binh.
Sáng sớm ngày 15/4/1946 (tức ngày 14/3 năm Bính Tuất), sau hai trận đánh vào trận địa không thành, thực dân Pháp tiếp tục đưa 2 tiểu đoàn quân viễn chinh, với trang bị vũ khí hiện đại chia thành 3 hướng tấn công vào Giồng Bốm. Sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch, phía lực lượng Giồng Bốm cũng bị thiệt hại nặng nề với 137 chiến sĩ hy sinh, Tòa thánh Ngọc Minh, Ngũ hành tòa, cùng nhiều tài sản khác bị phá hủy.
Tháng 9/1947, Bác Hồ gửi thư cho Cao Triều Phát khi cụ làm Cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ. Bức thư có đoạn: “Cuộc kháng chiến càng ngày càng gay go, sự đoàn kết của Nhân dân càng ngày càng phải siết chặt, ông là một lãnh tụ của một tôn giáo lớn, một vị nghị sĩ, một bậc lão thành, nhiệm vụ của ông đối với sự đoàn kết ở Nam Bộ rất nặng nề. Chính phủ, Quốc hội cũng như đồng bào Trung, Bắc rất hâm mộ và tín nhiệm ông…”
Là một cao niên địa phương và là một tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo, ông Nguyễn Văn Sáu (70 tuổi) tự hào với những bi hùng của Giồng Bốm đối với lịch sử của quê hương. “Răn dạy con cháu sống sao có ích đối với đất nước quê hương là một cách tốt nhất để sống tốt đời, đẹp đạo” – ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.