Bản tin 4/8: Điểm danh những ngành được miễn, giảm học phí
Tuyển sinh đại học 2023: Những ngành nào được miễn, giảm học phí?;Ra đồng chăn bò, cậu bé 14 tuổi được người dân phát hiện bị thương 2 bàn tay, mặt.. là tin nổi bật.
Tuyển sinh đại học 2023: Những ngành nào được miễn, giảm học phí?
Các ngành miễn học phí?
Báo Tiền Phong dẫn nguồn Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: Chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh và Mác-Lê nin;
Chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên thuộc một trong các trường hợp sau cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập: Sinh viên hệ cử tuyển;
Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
Các ngành học được giảm 70% học phí
Bên cạnh các ngành miễn học phí thì hiện nay cũng có rất nhiều ngành giảm học phí cho sinh viên đến 70%. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 81 quy định các ngành học giảm 70% học phí cho sinh viên gồm:
Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; Diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;
Các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc.; Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
Ngoài ra các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.
Kiến nghị miễn học phí những ngành khoa học cơ bản
Trước đó, cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nêu thực tế rất nhiều ngành đào tạo tài năng, đào tạo khoa học cơ bản khó tuyển sinh, có nguy cơ ít được quan tâm đầu tư vì hiệu quả tài chính thấp như các ngành sư phạm, cử nhân Toán, Vật lý, Văn học,... Do đó, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét ưu tiên đầu tư cho những ngành chất lượng, khó tuyển sinh để thu hút học sinh giỏi nhờ miễn giảm học phí và chu cấp học bổng.
Về nội dung kiến nghị này, Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với sinh viên sư phạm đã có chính sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học và được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (Nghị định 116 có hiệu lực từ năm 2022).
Theo Bộ GD&ĐT, việc miễn học phí đối với ngành nghề khác như cử nhân Toán, Vật lý, Văn học,... sẽ tác động lớn đến ngân sách nhà nước, do đó, Bộ xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định về chính sách miễn, giảm học phí đối với các ngành đào tạo tài năng, các ngành khoa học cơ bản vào thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Ra đồng chăn bò, cậu bé 14 tuổi được người dân phát hiện bị thương 2 bàn tay, mặt
Thông tin ban đầu trên báo Pháp luật Việt Nam, tai nạn xảy ra với cháu N.T.D. (14 tuổi, trú xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ) vào sáng 1/8.
Thời điểm đó, D. đang đi chăn bò. Sau tiếng nổ lớn, người dân phát hiện cháu D. bị thương 2 bàn tay, mặt...
Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tay bị biến dạng, đứt lìa các ngón. Các bác sĩ phải cắt cụt bàn tay phải của cháu D..
Có thông tin cho rằng, trong khi đi chăn bò, cháu D. đào được vật thể nghi là đầu đạn. Quá trình đào lên, vật thể này phát nổ, gây thương tích cho cháu. Tuy nhiên, chính quyền chưa xác nhận thông tin này.
Vụ việc tiếp tục được điều tra.
Suýt mất mạng vì món ăn khoái khẩu của nhiều người
Theo VTC News, sau 4 ngày ăn lòng lợn, người phụ nữ ở Hà Nội bị sốt cao, liên tục rét run, phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, da toàn thân bị tổn thương dạng bầm tím.
Ngày 3/8, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nữ (59 tuổi, Hà Nội) bị sốc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết viêm màng não.
Bốn ngày trước, người phụ nữ này ăn lòng lợn. Sau đó, bắt đầu sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân.
Hai ngày sau, người này xuất hiện mảng tím đen trên vùng da mặt được gia đình đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân, xét nghiệm khí máu toan chuyển hoá nặng, được thở oxy kính/mask, lọc máu liên tục, cấy máu.
Người phụ nữ nhập viện Nhiệt đới trung ương trong tình trạng thở oxy mask 15l/ph, thở gắng sức phải chuyển sang thở oxy lưu lượng cao (HFNC).
Kết quả xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do S.suis (liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis).
Hiện bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng bệnh được cải thiện.
Theo các bác sĩ, đây là một trong những trường hợp nhiễm vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
"Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề", bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo. Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trúc Chi (t/h)