Bến Tre: Tình hình bệnh thủy đậu trong tầm kiểm soát

Ngày 3/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Định thông tin, số ca mắc thủy đậu trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều. Tình hình bệnh thủy đậu đang trong tầm kiểm soát, hiện mỗi ngày chỉ ghi nhận từ 2 - 3 ca. Ngành Y tế Bến Tre tiếp tục triển khai các phương án xử lý và điều trị bệnh tại các tuyến nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc thủy đậu, kịp thời xử lý không để bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc.

Theo đó, phương án ngành Y tế Bến Tre đưa ra là khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại phòng khám tư nhân, phòng khám cần thu thập đầy đủ thông tin (bao gồm cả số điện thoại và nơi làm việc) của bệnh nhân và thực hiện báo cáo hằng ngày cho trạm y tế đóng trên địa bàn. Đồng thời bố trí khám ở phòng riêng biệt và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh tuân thủ nguyên tắc "2K" (khẩu trang - khử khuẩn).

Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế, các đơn vị sẽ thực hiện khám ở phòng riêng biệt nhằm hạn chế nguy cơ lây lan và yêu cầu người nghi ngờ mắc bệnh tuân thủ nguyên tắc "2K"; hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sức khỏe tại nhà, phòng, chống lây nhiễm cho người thân và ngoài cộng đồng (nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại trú). Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán thủy đậu và có yêu cầu nhập viện, bệnh viện hoặc trung tâm y tế phải bố trí điều trị ở phòng riêng biệt, đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.

Khi nhận được thông tin về ca bệnh nghi ngờ mắc thủy đậu từ cộng đồng, trạm y tế sẽ tiến hành xác minh và hướng dẫn ca bệnh nghi ngờ đến cơ sở y tế để khám; yêu cầu người bệnh tuân thủ nghiêm nguyên tắc "khẩu trang - khử khuẩn". Trạm y tế hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sức khỏe tại nhà và phòng, chống lây nhiễm cho người thân và ngoài cộng đồng. Khi người thân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám.

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh tại các công ty, xí nghiệp, y tế cơ quan của công ty hướng dẫn trường hợp nghi ngờ mắc thủy đậu cách ly tạm thời tại khu vực riêng biệt, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm và yêu cầu đến khám tại cơ sở y tế. Hằng ngày, công ty, xí nghiệp thực hiện báo cáo danh sách ca bệnh cho trạm y tế trên địa bàn để phối hợp quản lý và hỗ trợ xử lý dịch bệnh khi cần thiết. Trường hợp ca bệnh được chẩn đoán mắc thủy đậu, công ty phải cho nghỉ làm ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban, kèm theo bóng nước khô vảy hoàn toàn hoặc khi có giấy xác nhận khỏi bệnh của bác sĩ điều trị. Công ty, xí nghiệp thực hiện khử khuẩn bề mặt bằng Cloramin B 0,5% khu vực có ca bệnh theo sự hướng dẫn của trạm y tế.

Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, tỉnh Bến Tre phát hiện nhiều ca mắc thủy đậu tại một công ty may mặc thuộc Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành). Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 6/11, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp bệnh xuất hiện rải rác tại xưởng 3 của công ty may mặc. Từ ngày 6/11/2024 đến sáng 3/1/2025, Bến Tre ghi nhận 267 ca mắc thủy đậu. Một số trường hợp đã phục hồi sức khỏe, trở lại làm việc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella-Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây lan thông qua dịch tiết từ các nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ và trên da xuất hiện nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Thủy đậu là bệnh lành tính, gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh sẽ nguy hiểm vì bệnh có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Người chưa mắc thủy đậu cần tiêm vaccine phòng bệnh, bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay./.

Chương Đài

Lượt xem: 8
Tác giả: Phan Thị Ngọc Chương Đài
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.