Quyết liệt triển khai
Với mục tiêu đạt được 3.000 km cao tốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Theo đó, năm 2025, sẽ thực hiện 8 dự án mở rộng hoặc xây mới cao tốc trên toàn quốc như Long Thành - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, La Sơn - Hòa Liên và một số tuyến được xây mới như Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn… Để thúc đẩy tiến độ các dự án, việc cần làm ngay hiện nay là giải phóng mặt bằng, trong đó, có các công trình hạ tầng kỹ thuật điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.
Liên quan đến công tác này, đại diện Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác chuyên trách, bao gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ đầu mối của EVN và đơn vị ngành điện thuộc Bộ thường xuyên có báo cáo định kỳ gửi Bộ Giao thông vận tải trước đây (nay là Bộ Xây dựng) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, cung cấp thông tin, số liệu cập nhật về tình hình thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật điện thuộc thẩm quyền.
Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu EVN phối hợp với các đơn vị liên quan cũng như chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện di dời các công trình điện nằm trong phạm vi phải giải tỏa. Song song, Bộ Công Thương cũng đã thành lập Đoàn công tác để cùng với EVN trực tiếp làm việc, hướng dẫn các tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng) đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công dự án, bảo đảm tiến độ các công trình giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn tất công tác thẩm định, phê duyệt
Thời gian qua, nhiều dự án đường giao thông bị ách tắc do vướng cột điện. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Cường - Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, việc cải tạo di dời các vị trí cột điện phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Điện lực, nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; quy định về quản lý dự án đầu tư, chất lượng, thi công, bảo trì công trình xây dựng và các quy định Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông vận tải). Vì vậy, công tác lập thiết kế, thẩm định thiết kế phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Do vậy, tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc hỗ trợ của địa phương trong việc bố trí quỹ đất, giải quyết các thủ tục hành chính và các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu.
Đối với việc thẩm định hồ sơ các công trình điện phải di dời, Cục Điện lực cho biết, ngay sau khi nhận được hồ sơ, đơn vị đã chủ động, khẩn trương thực hiện thẩm định và có thông báo kết quả thẩm định hoặc trả lời, hướng dẫn theo đúng quy định.
Đến nay, Cục Điện lực đã ban hành 38 thông báo thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Hiện không còn tồn đọng các nhiệm vụ thẩm định thuộc trách nhiệm của Cục Điện lực.
![]() |
Công trình điện phải di dời trên dự án đường cao tốc Bắc - Nam |
Cam kết đồng hành, đẩy nhanh tiến độ
Để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, ngày 2/4/2025, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương liên quan.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cam kết sẽ hướng dẫn, hỗ trợ tối đa để đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế di dời các đường điện cao thế thuộc thẩm quyền. Đồng thời, rút ngắn thời gian thẩm định tối đa theo quy định của pháp luật đầu tư xây dựng ngay khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Liên quan đến trách nhiệm của địa phương và ngành điện, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chỉ đạo các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các đơn vị thành viên của EVN trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ, phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền và các thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thành viên của EVN khi thi công các điểm giao chéo khác nhau trên cùng một đường dây để đảm bảo hạn chế tối đa thời gian và số lần cắt điện một đường dây, đặc biệt đối với các đường dây 500kV, 220kV quan trọng.
Các ban quản lý dự án, nhà thầu, chủ đầu tư cần nhanh chóng thực hiện thủ tục kiểm tra và nghiệm thu công trình sau khi hoàn thành di dời để kịp thời đưa đường dây trở lại vận hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long: Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các địa phương cần phải báo cáo ngay các bộ, ngành, trung ương để tháo gỡ, tất cả vì mục tiêu hoàn thành kế hoạch 3.000 km cao tốc trong năm nay. |