Bộ trưởng Công an: Tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân rất nghiêm trọng
Đại tướng Tô Lâm nói rằng, người dân đang dễ dãi trong cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.
Xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu
Từ 9h10 đến 15h ngày 7/11, Quốc hội chất vấn người đứng đầu lĩnh vực nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho rằng, hiện nay tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công ng dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến.
Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau.
“Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng vừa nêu trong thời gian tới?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, được thế giới quan tâm, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là thực tiễn rất cấp bách được đặt ra ở Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng đánh giá tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng. Trong đó, tội phạm xâm nhập đánh cắp dữ liệu cá nhân là rất lớn. Trong năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ liên quan đến việc xâm phạm cơ sở dữ liệu. Rất nhiều vụ việc có những tội phạm liên quan việc ăn cắp dữ liệu cá nhân, xâm nhập vào các cơ sở.
Bên cạnh đó, ý thức người dân trong việc bảo vệ dữ liệu chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.
"Người dân dễ dãi trong cung cấp dữ liệu cá nhân và chúng tôi cũng đã xử lý việc này rất nhiều", Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết việc xử lý các vi phạm này hiện mới áp dụng Điều 288 của Bộ Luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin viễn thông để xử lý.
Để xử lý hiệu quả, Bộ Công an đang chỉ đạo một số giải pháp như khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó tham mưu Chính phủ hoàn thiện Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo lộ trình của Đề án 06 trong kế hoạch năm 2024, Bộ Công an sẽ đề xuất xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin liên quan nếu không nằm trong quy định bắt buộc của Nhà nước.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng cần tăng cường công tác nghiệp vụ, điều tra và xử lý nghiêm các vụ việc. Hiện Bộ Công an có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cam kết bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống thông tin này.
Đã xác định 100% mã số định danh cho công dân
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên là người có nguồn gốc người Việt Nam chưa được xác định quốc tịch Việt Nam đang sinh sống trên đất nước tại đất rừng tự nhiên hơn 20 năm. Đến nay, những người này không có giấy tờ về đất đai, giấy tờ tuỳ thân.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an giải quyết căn cơ về vấn đề pháp lý nhằm dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, ở các tỉnh miền núi ngày càng tốt hơn.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đến nay, cơ quan này đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc. Việc cấp giấy tờ đặc biệt xác định nhân hộ khẩu hoặc cấp căn cước còn một số công việc, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai.
Còn một số nhân khẩu đặc biệt như con lai, người không có gốc quốc tịch hoặc người chưa có giấy tờ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cần có xác định để đánh giá; đặc biệt với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp, nhất là khi tình hình di cư vào Tây Nguyên lớn và vấn đề đất đai ở Tây Nguyên cũng rất phức tạp, hiện chưa xác định được vị trí chỗ ở hợp pháp của người dân.
“Theo Hiến pháp thì có thể cư trú ở bất kỳ chỗ nào tại Việt Nam nhưng phải có chỗ ở hợp pháp thì mới cấp được hộ khẩu”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Ông cho rằng công an các cấp vẫn có thể quản lý được giấy tờ của của người dân nhưng chưa cấp được hộ khẩu vì chưa có chỗ ở hợp pháp. Nếu cấp đất ở, hộ khẩu tức là chính quyền đã xác nhận chỗ ở hợp pháp cho người dân. Đến lúc các cơ quan quản lý đất đai xác định được thì rất khó.
Để giải quyết, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan phải xác định, giải quyết được vấn đề đất đai và trên cơ sở "có dân thì mới thành lập được chính quyền".
Bộ trưởng cũng thông tin, ở Tây Nguyên hiện nay nhiều bản, nhiều xóm chưa hình thành được vì có dân ở nhưng chưa được xác nhận chỗ ở hợp pháp. Đây là một khó khăn, tồn tại đã nhiều năm; thời gian tới Bộ Công an sẽ tập trung để giải quyết.