Bước đi mới của giáo dục STEM Hà Nội

Giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đã và đang khẳng định vị thế quan trọng trong đổi mới giáo dục, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng này, Hà Nội đã có những bước đi tiên phong trong triển khai giáo dục STEM, đồng thời cần xây dựng chiến lược tổng thể để nâng tầm hiệu quả.

Xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM bền vững

Giáo dục STEM đã được Hà Nội triển khai tới nhiều độ tuổi và nhiều cấp học. Với cách tiếp cận kiến thức mới, một tiết Khoa học tự nhiên về sự chuyển hóa các dạng năng lượng của học sinh lớp 6, Trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn) đã mang một màu sắc tươi mới hơn. Em Nguyễn Nhật Minh chia sẻ: “Mô hình này được sử dụng chủ yếu từ các miếng gỗ nhỏ và các thân tre, nguyên lý hoạt động là khi nước lên cao sẽ tạo ra sự chuyển dịch năng lượng. Sau khi làm xong mô hình, em đã hiểu rất kỹ về cách chuyển dịch năng lượng. Đây là cách học rất thú vị”. Cả thầy và trò đều đã thay đổi cách thức dạy-học để nội dung kiến thức trở nên hấp dẫn, có tính ứng dụng cao hơn, kết nối với cuộc sống nhiều hơn.

Cô Đào Thị Nga, giáo viên Trường THCS Trung Giã cho hay: “Cách học ban đầu là học bắt chước. Tuy nhiên, qua thực tế làm, học sinh đúc rút được quy trình hoàn thiện các sản phẩm. Chỉ qua 3 buổi học như vậy, học sinh định hướng được rằng, để làm một sản phẩm thì cần phải thực hiện theo những quy trình như thế nào. Dần dần, các em hình thành tư duy khoa học. Đến lớp 8, các em sẽ hoàn thiện kỹ năng làm việc này”.

Mang về cho Việt Nam giải nhất quốc tế đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở cuộc thi khoa học kỹ thuật ISEF, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đã chứng minh khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết vấn đề của học sinh trung học. Đến nay, nhiều học sinh trong các trường học của Hà Nội được học tập thông qua nghiên cứu khoa học kỹ thuật với sự xuất hiện của nhiều sân chơi trí tuệ như các cuộc thi: ISEF, Solve for Tomorrow của Samsung, Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay các cuộc thi Robotics...

Năm học 2023-2024, đội thi của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam với dự án MedIQ-Hộp y tế thông minh ứng dụng nền tảng IoT và hệ thống phần mềm quản lý, đã đoạt giải nhất cuộc thi Solve for Tomorrow. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều đội thi ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), máy in 3D, lập trình robotics... vào giải quyết vấn đề. Đây là thế mạnh của thế hệ trẻ, cần được bồi dưỡng và phát huy mạnh mẽ.

Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giành giải nhất Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VI năm 2024. 

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực mới được phụ huynh và học sinh Hà Nội nhiệt tình thúc đẩy như thiên văn học, robotics hay hoạt động STEM thiện nguyện. Tập thể học sinh Lớp 10 Lý 2, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sự hỗ trợ của tập thể phụ huynh đã thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, truyền cảm hứng tới hơn 600 em học sinh Trường THCS Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hoạt động góp phần đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái về giáo dục STEM.

Cần chiến lược tổng thể

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc triển khai dạy học thông qua thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống là nhiệm vụ phải được tiến hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển giáo dục STEM một cách hiệu quả và bền vững, Hà Nội cần có một kế hoạch tổng thể, bài bản, đồng bộ.

Thực tế, cách triển khai trong tiếp cận giáo dục STEM tại nhiều đơn vị giáo dục còn khá gượng ép, nặng tính thi thố và tranh đoạt thành tích, hệ quả là các sản phẩm trưng bày phần nhiều đều không phải do học sinh làm trong quá trình học theo định hướng STEM, mà do người lớn hỗ trợ, trong đó có thầy cô, phụ huynh và các nguồn khác.

Theo các chuyên gia, với Hà Nội, giáo dục STEM giờ đây đã không còn ở mức độ làm thử nghiệm, làm để tạo nhận thức, tìm giải pháp, mà cần phải được nâng cấp triển khai ở mức độ bài bản, chắc chắn và có chiều sâu hơn nữa. Tuy nhiên, để làm được việc đó thì Hà Nội sẽ phải giải quyết rất nhiều điểm nghẽn đang gây cản trở và khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay chưa có kế hoạch tổng thể mang tầm quốc gia để thúc đẩy giáo dục STEM. Hà Nội cần có mục tiêu cụ thể và kế hoạch tổng thể thúc đẩy giáo dục STEM, phục vụ cho giai đoạn phát triển 2025-2030”.

Cô Đặng Thị Thu Hà, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, đề xuất giải pháp xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM giàu nội lực vì sự phát triển bền vững, gắn các mục tiêu dạy học với mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn để sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu STEM; hỗ trợ đào tạo, tập huấn giáo viên; thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng để mở rộng hệ sinh thái giáo dục STEM. Thường xuyên đánh giá hiệu quả triển khai giáo dục STEM, qua đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Đề cập đến kế hoạch phát triển giáo dục STEM trong thời gian tới của Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, cho biết:  “Giáo dục STEM của Hà Nội thời gian qua có nhiều sản phẩm, đề tài, dự án do học sinh tham gia với sự hướng dẫn của giáo viên đã giành được những giải thưởng rất cao trong khu vực và quốc tế. Ngành giáo dục Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện giáo dục STEM”.

Bài và ảnh: TÙNG VÂN

Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.