Cần Thơ tìm cách gỡ khó cho Bệnh viện Ung bướu

Đối với tình trạng quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Sở Y tế TP đang triển khai song song 2 giải pháp, bao gồm: Đẩy nhanh quy trình mua sắm đấu thầu máy xạ trị mới cho cơ sở cũ và khẩn trương tái khởi động Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện mới quy mô 500 giường.

Cần Thơ tìm cách gỡ khó cho Bệnh viện Ung bướu

Cần Thơ sẽ sớm tái khởi động Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường. Ảnh: Phong Linh

Nghịch lý nơi chật chội, chỗ "đắp chiếu"

Để được xạ trị ung thư tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (tọa lạc đường Châu Văn Liêm, phường Tân An, quận Ninh Kiều), bà Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Vĩnh Long) phải chờ từ 2 - 3 tháng. Bà than thở: "Bệnh viện chỉ có 1 máy xạ trị trong khi lượng bệnh nhân miền Tây đổ về nhiều, khiến ai cũng mệt mỏi".

Trường hợp của bà Hoa không phải là ngoại lệ bởi theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày nơi đây có hơn 300 bệnh nhân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chờ xếp hàng. "2 - 3 bệnh nhân nằm 1 giường ở nơi ẩm thấp, phòng ốc xuống cấp để tới lượt, có những người vật vã đi xạ trị lúc nửa đêm" - ông Lâm Văn Trung (TP Cần Thơ) nói.

Thực tế, từ năm 2017, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), rộng 17.000m2, tổng vốn hơn 1.700 tỉ đồng (từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary và vốn đối ứng của TP) với kỳ vọng giảm tải áp lực điều trị tại cơ sở 1. Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án này chỉ mới đạt 21% khối lượng thi công do hiệp định vay hết hạn.

Đáng nói, 2 năm kể từ khi dừng thi công cũng là khoảng thời gian cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ thêm áp lực gồng gánh bệnh nhân, dẫn đến nghịch lý "nơi chật chội, chỗ đắp chiếu".

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ, thông tin: "Cùng với việc tăng ca xạ trị cho bệnh nhân đã gây sức ép đối với đội ngũ y bác sĩ. Chúng tôi mong muốn các ngành, các cấp TP Cần Thơ, Bộ Y tế, Chính phủ quan tâm sâu sát hơn để bệnh viện cũ có thêm máy xạ trị giải quyết khó khăn trước mắt; tích cực vào cuộc tháo gỡ vướng mắc của Bệnh viện mới về lâu dài".

Sẽ thực hiện 2 giải pháp

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - thông tin, TP rất quan tâm đến việc đầu tư và phát triển Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, bởi trong Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 27.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế tại Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ sẽ là 1 trong 6 bệnh viện của ĐBSCL.

"Hiện tại, Cần Thơ đang thực hiện 2 giải pháp liên quan đến Bệnh viện Ung bướu TP. Thứ nhất, sở phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương xin chủ trương đầu tư thêm 1 máy xạ trị mới (đặt tại cơ sở 1). Nếu được thông qua thì nhanh nhất trong năm 2025, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đầu tư máy xạ trị cho bệnh viện. Thứ hai, sở đang tích cực rà soát các quy trình, thủ tục và nếu nhanh nhất, có thể là trong quý I - II/2025 sẽ tái khởi động dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường" - ông Cường thông tin.

Với giải pháp trước mắt và lâu dài cho Bệnh viện Ung bướu TP, ngành Y tế Cần Thơ kỳ vọng sẽ cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong vùng theo đúng quy hoạch. Song, theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, sau khi thay thế máy xạ trị cũng như tái khởi động bệnh viện mới, không loại trừ khả năng bệnh nhân ung bướu vẫn phải chờ để xạ trị. Bởi, theo tiêu chuẩn điều trị ung bướu quốc tế thì trên 1 triệu người dân phải có 1 máy xạ trị, trong khi các bệnh viện Việt Nam chưa thể thực hiện được.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.