Cầu nối đoàn kết

UBND tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2022. Các đội tham gia thi đã chia sẻ, trao đổi, trau dồi những kinh nghiệm, kỹ năng hữu ích trong công tác hòa giải ở địa phương. Nhiều thí sinh đã vận dụng hài hòa các phong tục, truyền thống tốt đẹp cùng những quy định của pháp luật để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách thuyết phục.

Việc tỉnh Cao Bằng tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi thể hiện rõ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tới hoạt động hòa giải ở cơ sở. Quá trình phát triển của cách mạng, chúng ta luôn tự hào về tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, khát vọng vươn lên của người dân đất Việt. Ở đó, con người Việt Nam luôn có lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống... Mọi mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình lao động, sản xuất và trong cuộc sống, người dân luôn muốn tìm ra “tiếng nói chung”, thống nhất cách giải quyết, nên việc hòa giải ở cơ sở luôn được đề cao, coi trọng.

Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2022 tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Trong tình hình hiện nay, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự chống phá của các thế lực thù địch... và do nhận thức, đạo đức, lối sống, tính cách của mỗi người khác nhau nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa cá nhân trong cộng đồng dân cư. Những mâu thuẫn, tranh chấp, nếu không được hòa giải, giải quyết kịp thời, triệt để, rất dễ dẫn đến vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Thực tế thời gian gần đây, khá nhiều mâu thuẫn trong gia đình chưa được giải quyết dẫn đến vi phạm pháp luật rất đáng lên án.

Bởi lẽ đó, hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực. Hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận. Để tiến hành hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt, phải đề cao vai trò của tổ hòa giải và các hòa giải viên. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định cụ thể: Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân, được thành lập ở cơ sở (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác). Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên.

Tổ hòa giải ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân. Bằng kinh nghiệm của mình, trên cơ sở pháp luật, những hòa giải viên sẽ phân tích, giải thích cho các bên, các cá nhân hiểu về những giá trị cốt lõi của đạo đức, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân.

Hoạt động của tổ hòa giải và các hòa giải viên không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở hiệu quả mà còn là một phương thức an dân, là cầu nối vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tập thể, cùng thực hiện những nhiệm vụ của địa phương, đất nước. Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.

Tags: Cao Bằng
Lượt xem: 47
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết