Cha con Hồ Mút và cột mốc 516

Trong gần nửa thế kỷ, già làng Hồ Mút ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tình nguyện trông coi, bảo vệ cột mốc 516 trên dãy Giăng Màn.

Năm 2020, già làng Hồ Mút qua đời, hai người con trai của ông là Hồ Bông và Hồ Lê vẫn lần theo lối mòn mà người cha thân yêu đã từng bước, tiếp tục công việc bình dị đó. Mỗi tháng một lần, Hồ Bông và Hồ Lê luân phiên cơm đùm gạo bới, cùng tổ tự quản và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) lên với cột mốc.

Đường lên cột mốc 516 đi bộ mất nửa ngày, qua nhiều khe suối, dốc cao hiểm trở. Cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc quả không hề dễ thực hiện với nhiều người. Nhưng với Hồ Bông, Hồ Lê, cột mốc bình yên thì biên giới, bản làng bình yên; tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cũng là nghĩa tình, trách nhiệm với BĐBP, với biên cương Tổ quốc.

Tuần tra biên giới phòng ngừa hoạt động nhập cảnh trái phép. 

Tấm lòng của Hồ Bông, Hồ Lê cũng chính là tấm lòng của đồng bào các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc dành cho các chiến sĩ BĐBP. Bởi, nơi biên cương xa thẳm, giữa heo hút đại ngàn, trước muôn vàn khó khăn, gian khổ, BĐBP vẫn luôn sát cánh cùng đồng bào, giữ vững bình yên cuộc sống nhân dân.

Có BĐBP, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; nhờ BĐBP mà diện mạo bản làng nơi biên cương Tổ quốc ngày thêm khởi sắc. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, lực lượng BĐBP luôn “4 cùng” với bà con; phối hợp, hỗ trợ, triển khai nhiều chương trình, mô hình thiết thực, hiệu quả như: “Mái ấm biên cương”; “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”; “Ánh sáng vùng biên”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”... góp phần giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Từ sự hướng dẫn, giúp đỡ của BĐBP, giờ đây, đồng bào các dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận, làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; trẻ em đều đặn được đến trường; khi ốm đau, bệnh tật được khám, cấp thuốc miễn phí... Nhờ vậy, đời sống bà con ngày càng được cải thiện, nâng lên, khoảng cách giữa biên giới, miền núi với đồng bằng, thành thị cũng được thu hẹp.

Thấu hiểu ơn nghĩa và tri ân BĐBP, đồng bào các dân tộc luôn hết lòng chở che, nuôi dưỡng, sẵn sàng là tai, là mắt, là cánh tay đắc lực của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi lần Hồ Lê lục tục chuẩn bị lên kiểm tra cột mốc 516 thì con trai 7 tuổi Hồ Duy lại đòi đi theo cha. Vậy là lại thêm một thế hệ nữa sẵn sàng tiếp bước trông coi cột mốc, góp sức vào công cuộc toàn dân xây dựng và bảo vệ một dải biên cương Tổ quốc hòa bình, phát triển.

Giữ gìn biên cương Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân mà BĐBP làm nòng cốt. Việc làm của cha con già làng Hồ Mút tuy giản dị nhưng thật đáng quý. Nếu như mỗi người dân đất Việt đều có tinh thần ấy, đều có hành động thiết thực như thế thì chắc chắn những việc lớn của dân tộc, của đất nước đều có thể thành công.

 

Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết