Chính phủ: Thi hành án tín dụng ngân hàng giảm cả về việc và tiền

Thi hành án các vụ tín dụng ngân hàng đạt thấp, giảm cả về việc và tiền, trong khi các việc loại này chiếm đến 41,45% về tiền so với tổng tiền phải thi hành của toàn quốc.

Article thumbnail
Thi hành án tín dụng ngân hàng giảm cả về việc và tiền. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thông tin trên được nêu tại báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 của Quốc hội khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực tư pháp, vừa được gửi tới Quốc hội.

Tại Nghị quyết số 134, Quốc hội yêu cầu, “tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án dân sự, hành chính”.

Thi hành án tín dụng ngân hàng giảm cả về việc và tiền

Báo cáo nội dung này, Chính phủ khẳng định, thi hành án dân sự, nhất là trong xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài; xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được lãnh đạo các cấp, ngành liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Chính phủ đã chỉ đạo 4 bộ, ngành (Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước), UBND cấp tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành án dân sự.

Kết quả, 8 tháng năm 2023 đã thi hành xong 324.518 việc, đạt tỷ lệ 61,12%, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm 2022. Tương ứng, đã thi hành xong hơn 62.123 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,4%, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, theo Chính phủ, kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt thấp so với cùng kỳ. Cụ thể là giảm 2,35% về việc; giảm 2,61 % về tiền, trong khi các việc loại này chiếm đến 41,45% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc.

Thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt thấp, theo Chính phủ, có nguyên nhân từ công tác phối hợp có nơi, có lúc chưa hiệu quả.

Vẫn còn tình trạng, các cơ quan thi hành án dân sự phản ánh với các tổ chức tín dụng về việc xác minh, thu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất, chậm giải chấp tài sản… Còn tổ chức tín dụng thì phản ánh cơ quan thi hành án dân sự chậm tổ chức thi hành án, chậm kê biên tài sản bảo đảm, theo báo cáo.

“Nợ” 6 bản án, quyết định người phải thi hành là UBND, chủ tịch UBND

Về thi hành án hành chính, Chính phủ thông tin, 6 tháng năm 2023 (theo quy định về kỳ báo cáo), đã thi hành xong 216 trong tổng số 897 bản án, quyết định, tăng trên 140% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng 32 bản án, quyết định người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát năm 2018, đã thi hành xong 26 việc.

Như vậy, còn “nợ” 6 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ năm 2018 đến nay chưa thi hành xong.

Thêm nữa, theo Chính phủ, dù có nhiều cố gắng, nhưng do số lượng bản án, quyết định hành chính mới phát sinh trong năm 2021, năm 2022 tăng mạnh do Toà án tăng cường xét xử sau dịch Covid-19, nên còn 539 việc chuyển sang năm 2023.

Chính phủ cũng nhận xét, một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý.

“Còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền”, Chính phủ nêu.

Báo cáo dẫn chứng vụ dù Viện KSND đã có 7 kiến nghị với Chủ tịch UBND một số quận, huyện của TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.

Đề cập đến giải pháp, Chính phủ khẳng định sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đi cùng với đó, là tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật thủ tục hành chính và thi hành án hành chính, đặc biệt là tại các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành.

“Thực hiện nghiêm việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của tòa án; có giải pháp thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2018 đến nay chưa thi hành xong”, Chính phủ cho hay.

Giải pháp nữa được Chính phủ đề cập là tăng cường phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ các cấp trong tổ chức thi hành án, nhất là tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.