Chọn ngành học phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động
Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà các thí sinh cần hiểu rõ trong quá trình lựa chọn ngành học của bản thân.
Chỉ còn 4 tháng nữa là kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra, thời gian này là khoảng thời gian ôn tập cuối cho các thí sinh chuẩn bị dự thi.
Năm nay, các sĩ tử vẫn bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 khi phải học online kéo dài. Bên cạnh đó, đây cũng là năm các trường đại học đã có những kinh nghiệm cho việc xác định chỉ tiêu và các hình thức xét tuyển.
Ngoài việc chọn lựa từ học bạ, lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường top đầu hiện nay có xu hướng tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng để từ đó có thể chọn được những thí sinh ưu tú và phù hợp.
Trên thực tế, những năm gần đây, không khó để bắt gặp trường hợp thí sinh đạt 29 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Nhiều em có số điểm thấp hơn cũng dễ dàng rơi vào tình trạng không đỗ bất kỳ ngành nào đã đăng ký trước đó.
Thi đại học giờ đây không chỉ là việc ôn tập kiến thức, mà chính thí sinh và gia đình phải là những “nhà hoạch định chiến lược” cho riêng mình để không rơi vào tình trạng đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học.
Lựa chọn kết hợp nhiều hình thức xét tuyển
Đánh giá về kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, ThS. Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và truyền thông, trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ với Người Đưa tin: “Năm 2022, các trường đại học triển khai đa dạng các phương thức xét tuyển. Vì vậy, có hội cho các thí sinh là không hề nhỏ.
Cùng với việc xét kết quả đánh giá năng lực, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, hãy nghĩ thêm đến giải pháp đăng ký xét tuyển học bạ, có thể kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Các em thí sinh có thể cân nhắc tìm hiểu một số ngành học được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ sau đại dịch như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm và các ngành trong lĩnh vực du lịch, khách sạn,…để có hướng đi phù hợp”.
Để có được chiến lược lựa chọn nguyện vọng xét tuyển thành công, các em thí sinh cần tự xác định mức điểm có thể đạt được bằng việc tham gia các kỳ thi thử hoặc giải các đề thi năm trước. Điểm số này mang tính tương đối.
Trước đó,cũng cần nghiên cứu kỹ các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào.
“Nên lựa chọn các trường dựa vào một số tiêu chí đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; có nhiều học bổng để phấn đấu học tập; có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao; có nhiều ngành nghề đào tạo để có thể học song song 2 văn bằng tăng cơ hội có việc làm tốt khi ra trường”, ông Ngọc Anh bày tỏ.
Nắm rõ cung cầu của thị trường lao động
Các nhóm kinh tế, y dược, công nghệ thông tin luôn được đánh giá là ngành hot nên được đông đảo các thí sinh lựa chọn. Thậm chí, ngay cả ở những trường không có truyền thống giảng dạy nhưng vẫn có số điểm đầu vào tại các ngành này rất cao vì sức hút của cơ hội việc làm sau này.
Điểm đáng nói ở đây, các em phải nhìn nhận được xu hướng nhu cầu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đai học, mà không chỉ đánh giá dừng lại ở thời điểm hiện tại.
Trước vấn đề này trao đổi với Người Đưa tin, TS.Vũ Đình Khoa, Trưởng khoa Quản lý kinh doanh, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ: “Việc chọn lựa ngành theo học cần có tính toán dài hạn.
Hiện nay, yếu tố chuẩn đầu ra của các trường đại học chưa được các thí sinh chú ý tới và nắm rõ. Các em cần tìm hiểu kỹ định hướng đào tạo từng trường để có phương hướng phù hợp”.
Mỗi trường sẽ có những thế mạnh, nét đặc sắc riêng, mục tiêu đào tạo của các cơ sở giáo dục là không giống nhau. Vì vậy, các em cần lựa chọn cho đúng với năng lực của bản thân.
Đơn cử, thầy Khoa đưa ra một vài ví dụ: “Học viện Tài chính có thế mạnh về các ngành thuế, hải quan; trường Đại học Ngoại thương rất phát triển ở linh vực thanh toán, dịch vụ logistics,…
Chỉ riêng một ngành nhưng ở các trường lại có chương trình đào tạo khác nhau, thí sinh phải dựa vào mong muốn và định hướng để nghiên cứu kỹ mục tiêu và chuẩn đầu ra”.
Ở đây, TS.Vũ Đình Khoa cũng đề cập tới yếu tố nhu cầu thị trường của từng lĩnh vực, nội dung mà hiện nay cũng ít được các em quan tâm.
Học sinh cần nắm rõ nhu cầu thị trường hiện nay để có những lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, với sự phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp luôn có những yêu cầu nhất định về kỹ năng về mặt chuyên môn, công nghệ thông tin.
Việc xác định nhu cầu, yêu cầu của các doanh nghiệp cũng giúp cho sinh viên định hướng trong việc chọn trường.
ThS. Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và truyền thông, trường Đại học Mở Hà Nội cũng chia sẻ các bước để lựa chọn ngành phù hợp.
Thí sinh cần liệt kê danh mục các trường đại học có tuyển sinh ngành học đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2 - 3 năm gần nhất.
Chia danh mục thành này thành 3 nhóm:
Nhóm có điểm chuẩn trung bình các năm gần đây nhiều hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm; Nhóm điểm chuẩn trung bình các năm gần đây và điểm tự xác định tương đương nhau (có thể hơn kém nhau 1 điểm); Và nhóm có điểm chuẩn trung bình các năm gần đây ít hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm.
Mỗi nhóm đã chia ở trên phải có ít nhất 1 nguyện vọng được lựa chọn. Cuối cùng, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân.