Chống dùng trí tuệ nhân tạo để giả mạo

Bên cạnh những lợi ích không phải bàn cãi, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tồn tại mặt trái và đang là công cụ đắc lực để các đối tượng tội phạm công nghệ cao thực hiện các hành vi giả mạo, tấn công mạng, gây mất an ninh, trật tự xã hội.

Các video, hình ảnh giả mạo con người, đặc biệt là những người nổi tiếng do AI tạo ra có độ hoàn thiện cao đang xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và ngày càng khó để nhận biết. Điều này nguy hiểm đến mức, các chuyên gia về công nghệ đã cảnh báo, kẻ xấu có thể dùng AI để gây tác động bất lợi đến các cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia với khả năng tạo ra hàng loạt sản phẩm nhằm mục đích bôi nhọ các chính trị gia.

Vấn đề nằm ở chỗ, để tạo ra AI, cần phải có nguồn cơ sở dữ liệu dồi dào để nuôi và dạy học cho AI. Cơ sở dữ liệu chính là thông tin về tất cả mọi mặt trong xã hội, thông tin nạp vào càng nhiều thì AI càng thông minh. Điều này làm gia tăng lo ngại khi thông tin của các cá nhân, tổ chức đang bị khai thác quá nhiều thông qua các ứng dụng, phần mềm trên điện thoại và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Bên cạnh những lợi ích không phải bàn cãi, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng tồn tại mặt trái. Ảnh minh họa: baodautu.vn 

Vì vậy, để AI thực sự là công cụ hữu dụng đóng góp cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt trong cuộc sống, các cơ quan chức năng cần chú trọng quản lý AI về 3 yếu tố chủ đạo, đó là người lập trình (người dạy học cho AI) và người sử dụng AI; nguồn cơ sở dữ liệu đầu vào ("thức ăn" cho AI); các sản phẩm được tạo ra bởi AI.

Với những người lập trình AI, các trường học, cơ sở đào tạo cần xây dựng, trang bị kiến thức cho các lập trình viên với phương châm tạo ra các sản phẩm công nghệ hỗ trợ con người và phải lấy con người làm trung tâm, AI chỉ là công cụ chứ không thể thay thế con người, con người phải là chủ thể điều hành mọi hoạt động của AI. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, truyền thông, cảnh báo đến người sử dụng không nên lạm dụng, phụ thuộc vào AI; không sử dụng AI để phục vụ các hoạt động vi phạm pháp luật.

Đối với việc quản lý nguồn dữ liệu đầu vào để cung cấp tri thức cho AI, cần có sự chọn lọc, kiểm soát ngay từ khâu khai thác dữ liệu, đặc biệt là với các thông tin cá nhân. Nhằm tăng cường công tác quản lý, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân. Bảo vệ được dữ liệu cá nhân là biện pháp rất quan trọng để tránh việc dùng AI khai thác, tạo ra các hình ảnh, thông tin giả mạo.

Cùng với đó, những doanh nghiệp công nghệ cần có biện pháp dán nhãn cho các sản phẩm để người dân có thể nhận biết và phân biệt được đâu là sản phẩm đã được tạo ra bởi AI, góp phần phòng tránh hoạt động giả mạo, lừa đảo trên không gian mạng.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nhanh chóng có quy định trong quản lý các sản phẩm AI, đặc biệt là xử nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức liên quan đến AI. 

HOÀNG CHUNG

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.