Chủ động phòng, chống bệnh sởi và sốt xuất huyết

Các tỉnh, thành phố đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống bệnh sởi và sốt xuất huyết.

* Bình Định: Giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc sởi tại cộng đồng

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.

Sở yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc sởi tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh. Các đơn vị thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Nha Trang trong phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất Sở triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. Ngoài ra, trung tâm rà soát đối tượng, triển khai tiêm chủng đầy đủ mũi vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh như: Bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho cơ sở y tế để có hướng xử lý.

Các đơn vị liên quan chủ động tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, tập trung khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Các đơn vị báo cáo kịp thời, đầy đủ trường hợp bệnh, ổ dịch qua hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định.

* Đắk Nông: Chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận gần 3.400 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 2.600 ca so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh công tác điều trị, việc phòng, chống sốt xuất huyết của tỉnh chủ yếu tập trung vào vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Riêng hóa chất diệt ấu trùng loăng quăng/bọ gậy, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Y tế Đắk Nông vẫn chưa được cấp và chủ yếu nhờ vào nguồn hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Theo Sở Y tế Đắk Nông, từ năm 2019 đến nay, tại tổ dân phố 6 (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) ghi nhận 70 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện nay, ngành Y tế địa phương đang gặp khó trong xử lý ổ dịch bệnh này tại đây.

Cụ thể, năm 2019, tại địa phương ghi nhận 21 ca với 2 lần xảy ra dịch. Các năm tiếp theo, khu vực này đều ghi nhận bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, tại khu vực này có 28 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có 2 bệnh nhi nguy kịch phải chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk). Nguyên nhân là do một đoạn thuộc hệ thống thoát nước ven đường Hồ Chí Minh thiết kế, thi công không hợp lý dẫn tới tình trạng nước mưa, nước thải không thoát được và trở thành nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển. Việc triển khai phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại khu vực này đã được địa phương ưu tiên, tập trung nhưng không hiệu quả.

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, sau khi ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết tại khu vực, mới đây, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song đã xử lý “nóng” bằng cách đổ hơn 100 kg muối xuống gần 150 m cống thoát nước tại khu vực này. Việc xử lý như trên đã diệt hết loăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, nhất là trong bối cảnh dự kiến đến giữa tháng 9/2024, ngành Y tế Đắk Nông mới được cấp hóa chất diệt ấu trùng loăng quăng, bọ gậy do các vướng mắc, thủ tục trong công tác đấu thầu.

Theo Sở Y tế Đắk Nông, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song đã tổng hợp, tham mưu UBND huyện Đắk Song có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông và đơn vị quản lý đoạn đường có các giải pháp xử lý hệ thống cống thoát nước tại khu vực này, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong các năm tiếp theo./.

Lê Phước Ngọc - Hưng Thịnh

Lượt xem: 10
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết