Chuyên gia nhận định: Thời gian đăng ký nguyện vọng kéo dài sẽ hưởng đến thời gian năm học
Theo các chuyên gia, thời gian để thí sinh đăng ký nguyện vọng quá dài, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức đào tạo của các trường đại học.
Thời gian đăng ký nguyện vọng kéo dài, có ảnh hưởng đến thời gian năm học?
Kỳ tuyển sinh năm nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được thực hiện trong một đợt thay vì hai đợt như trước đây, theo quan điểm của Bộ là "để vừa thuận lợi cho thí sinh, vừa tiện cho các trường".
Thời gian để thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống bắt đầu từ ngày 22/07 đến 17h ngày 20/08. Từ ngày 1/9 đến hết ngày 15/9, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Một số trường đại học cho rằng, thời gian đăng ký nguyện vọng trong gần 1 tháng là quá dài, dễ khiến thí sinh dao động với các lựa chọn của mình.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải nêu ý kiến: “Bởi vì thí sinh cũng chỉ đăng ký một lần, thứ hai là thí sinh cũng đã có kết quả thông báo đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Vì vậy, tâm lý thí sinh hiện nay cũng cân nhắc giữa một số ngành và một số điểm. Khi có điểm thi thì trong vòng khoảng độ 1 - 2 tuần, thí sinh cũng có thể xác định được nguyện vọng của mình và điều chỉnh nguyện vọng của mình. Bởi vì thí sinh không có thông tin nào khác, ngoài thông tin của các trường cung cấp và kết quả thi của mình, cũng như nguyện vọng mong muốn của mình để đặt vào hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục đào tạo”.
Bên cạnh đó, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, do là năm đầu tiên triển khai việc đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung nên Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian để dễ xử lý các tình huống kỹ thuật phát sinh nếu có. Thế nhưng, việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng của thí sinh và thời gian tổ chức xét tuyển đến giữa tháng 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đào tạo chung của các trường đại học.
“Có lẽ chỉ nên đến chục ngày là nhiều, ngay cả thời gian để mà chạy xét tuyển cũng vậy. Như mọi năm chỉ mất 3 ngày là xong, bây giờ nhiều chắc cũng gấp 3 lần, khoảng chục ngày thôi, bây giờ 15 ngày thì dài quá và ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung. Nếu xét kỹ, chắc chắn sẽ không hiệu quả, bởi vì chúng ta tốn rất nhiều thời gian để cho mùa tuyển sinh và bao nhiêu việc kèm theo nữa. Khóa mới này, nếu theo lịch như vậy thì các kế hoạch phá vỡ hết, các em không còn ngày nào nghỉ hè cả, không chỉ các em mà còn hoạt động của trường nữa”, ông Bùi Đức Triệu nói.
Cùng quan điểm ông Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội cho hay: “Những năm trước, dựa trên số sinh viên xác nhận nhập học vào trường, chúng tôi biết là còn bao nhiêu chỉ tiêu để xét tuyển các phương thức xét tuyển khác. Nhưng năm nay thì hoàn toàn không biết thành ra là sẽ là một bài toán rất là khó, tôi nghĩ rằng, rất nhiều trường sau đợt tuyển sinh đợt 1 sẽ phải thực hiện tiếp các đợt tuyển sinh tiếp theo để đảm bảo chỉ tiêu của mình. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo tại vì đến cuối tháng 9 mà vẫn chưa tuyển sinh xong thì rất khó triển khai đào tạo trong năm tiếp theo”.
Thực tế số liệu thống kê trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT cho thấy, việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng cũng khiến thí sinh dao động, đắn đo nhiều hơn.
Thí sinh nên đăng ký nguyện vọng sớm
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 20/8, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống của Bộ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống và cũng là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển không cùng thời gian với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
"Vì vậy, để hệ thống không bị quá tải do thí sinh tập trung đăng ký xét tuyển vào những ngày cuối và có thời gian kiểm tra, rà soát dữ liệu, Vụ Giáo dục đại học đã đề nghị các cơ sở đào tạo, các sở GD-ĐT truyền thông và thông báo để thí sinh đăng ký xét tuyển ngay từ những ngày đầu. Sau đó thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng bất cứ lúc nào trong thời gian quy định. Thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký", bà Thủy khuyên.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học cho hay vừa qua nhiều thí sinh và phụ huynh thắc mắc việc một số trường yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống. Điều này một phần khiến thí sinh hoang mang, đắn đo chưa biết phải đăng ký nguyện vọng ra sao.
"Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển. Do vậy, nếu thật sự đã yêu thích ngành, trường nào đó đã đủ điều kiện trúng tuyển thì nên sớm đặt nguyện vọng 1. Sau khi đăng ký xong, thí sinh vẫn còn được điều chỉnh lại nếu muốn thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định", ông Hùng cho biết.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy khẳng định dù thí sinh có khả năng trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và xử lý lọc ảo, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng.
Năm nay, tình trạng thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường đại học khác nhau sẽ không xảy ra. Hiện nay, nhiều thí sinh đã biết đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, thí sinh xem như từ chối trúng tuyển.
Bên cạnh đó, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống, các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, bà Thủy khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu các em bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển, hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.
Tính đến 12h ngày 10/8, số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đã nhận nguyện vọng lên hệ thống đạt gần 45,75% trên tổng số 939.477 thí sinh đăng ký xét tuyển.
Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng (trong thời gian quy định) không giới hạn số lần.
Khi hết thời gian đăng ký, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo và khi đó thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký xét tuyển.
Sở GD&ĐT khuyến cáo thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trước hạn cuối (trước 17h ngày 20/8) để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có).
Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.
Trúc Chi (t/h theo VOV, Tuổi Trẻ)