Cơ hội cho hàng hoá Việt Nam sau khi ký 3 nghị định thư với Trung Quốc

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành ký kết nghị định thư liên quan đến việc với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã mở cơ hội lớn cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành hàng này.

Article thumbnail
Sầu riêng đông lạnh là 1 trong 3 mặt hàng mới được mở cửa vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: TTM

Chia sẻ sau khi các nghị định thư được ký kết, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Cơ hội lớn từ thị trường tỷ dân

Trong 3 nhóm mặt hàng trên, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, 90% trong số đó là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên trái có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng tách vỏ. Đây là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc sản phẩm mới này được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho từ các sản phẩm từ trái sầu riêng chế biến sâu, đồng thời cũng giúp giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp về thời điểm thu hoạch và thời gian thu mua. Thêm nữa, sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm (ruột trái sầu riêng), không đòi hỏi về mẫu mã vỏ trái bên ngoài như hàng tươi. Vì vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước khi xuất khẩu quả tươi, vẫn có thể dùng để cấp đông và xuất khẩu. Sầu riêng đông lạnh cũng sẽ là giải pháp hiệu quả khi thị trường rơi vào khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu.

Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt từ 400 đến 500 triệu USD ngay trong năm 2024 và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị "tỷ USD" vào năm 2025.

Dừa tươi cũng là mặt hàng có tiềm năng mang lại giá trị xuất khẩu lớn khi được thị trường Trung Quốc mở cửa, bởi Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thống kê của Hiệp hội Dừa Việt Nam, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Ngoài việc kinh doanh, xuất khẩu dừa tươi, sản xuất các sản phẩm từ trái dừa, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.

Sau khi nghị định thư được ký kết, ước tính kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD ngay trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo. Quả dừa tươi được xuất khẩu sang thị trường tỷ dân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn, mà còn tạo động lực để ngành Dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã có tuổi đời hơn 30 năm. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác đều mang lại giá trị kinh tế cao.

Trước khi dịch Covid-19, cá sấu nuôi ở Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã ngưng việc nhập khẩu mặt hàng này, khiến cho giá cá sấu lao dốc, có thời điểm giảm xuống chỉ còn 40 - 50 nghìn đồng/kg. Việc ký kết nghị định thư cho phép xuất khẩu cá sấu nuôi trở lại thị trường Trung Quốc là cơ hội phát triển lớn cho ngành này, không chỉ ở khía cạnh kinh tế, mà còn là động lực lớn để ngành nuôi cá sấu Việt Nam chuyển mình, phát triển theo hướng bền vững.

Làm gì để nắm bắt thời cơ?

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, sản phẩm sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) trong nghị định thư này bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín và phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam, phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ.

Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký và được chấp nhận, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Đối với sản phẩm dừa tươi, các đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình trong toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu dừa cần có sự gắn kết, phối hợp với nhau trong việc xây dựng các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc, từ đó xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu bền vững và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc xuất khẩu cá sâu nuôi vào thị trường Trung Quốc phức tạp hơn so với 2 mặt hàng nêu trên. Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật và sức khỏe của cá sấu, thì do cá sấu là động vật hoang dã được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES - công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Vì vậy, khi xuất khẩu da cá sấu, các sản phẩm từ da cá sấu, cá sấu nguyên con ra khỏi biên giới Việt Nam đều phải tuân theo những quy định của công ước này và phải có Giấy phép CITES xuất khẩu đối mặt hàng này. Giấy phép CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES. Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu là 06 tháng.

Theo Bộ NN&PTNT, các đơn vị chức năng đã tổ chức tập huấn, phổ biến quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, giới thiệu điều kiện nhập khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc, hướng dẫn cho bà con, doanh nghiệp thực hiện các quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hướng dẫn kỹ thuật phòng chống sinh vật gây hại tại vùng trồng dừa và nhận diện 16 đối tượng kiểm dịch thực vật Trung Quốc quan tâm; hướng dẫn thực hiện Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu nắm vững các yêu cầu và quy định mới, giúp các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.