Công an Hà Nội gọn bộ máy, mạnh hiệu quả
Ngày 1/7/2025, lực lượng Công an TP Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 trụ sở Công an phường, xã theo mô hình tổ chức mới, sau khi thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo chủ trương của Trung ương và TP. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong cải cách bộ máy chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự và cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.
Lực lượng Công an TP Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 trụ sở công an phường, xã theo mô hình tổ chức mới. Ảnh: P.V
Người dân hài lòng, thủ tục hành chính liền mạch
Tại phường Tây Hồ, đơn vị hình thành từ việc hợp nhất 9 phường cũ, mô hình ba trụ sở tiếp dân đang được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các khu vực khác nhau trên địa bàn. Với hơn 180 cán bộ, chiến sĩ được bố trí, Công an phường Tây Hồ bước đầu thể hiện sự bài bản và chuyên nghiệp trong việc phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng và tiếp nhận công dân đến làm thủ tục.
Thiếu tá Lê Anh Thế, Phó Trưởng Công an phường Tây Hồ, chia sẻ: “Tinh thần cán bộ, chiến sĩ rất hồ hởi, phấn khởi về việc đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn, hiện đại, chính quy hơn để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đây là một chủ trương lớn, cán bộ chiến sĩ tham gia rất nhiệt tình”.
Thiếu tá Lê Anh Thế, Phó Trưởng Công an phường Tây Hồ. Ảnh: P.V
Không riêng Tây Hồ, nhiều công an phường khác như Hoàn Kiếm, Vĩnh Tuy cũng nhanh chóng bắt nhịp với mô hình mới. Tại phường Hoàn Kiếm, Thiếu tá Trần Trung Kiên, Phó Trưởng Công an phường cho biết, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đã có mặt từ sớm để sẵn sàng giải quyết công việc ngay trong ngày đầu tiên. “Tất cả người dân đến làm thủ tục đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình theo đúng quy trình, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện nhất”, ông Kiên nói.
Điểm nổi bật của mô hình mới là không chỉ sắp xếp lại địa giới hành chính và bộ máy tổ chức, mà còn nâng cao rõ rệt chất lượng phục vụ Nhân dân qua việc áp dụng công nghệ thông tin, phân cấp rõ ràng và bố trí hợp lý nhân sự theo từng lĩnh vực chuyên môn.
Tại trụ sở Công an phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), sáng ngày 1/7, không khí làm việc diễn ra khẩn trương nhưng không căng thẳng. Cán bộ chiến sĩ có mặt từ sớm, kiểm tra thiết bị, bố trí bàn tiếp dân, chuẩn bị tài liệu hướng dẫn các thủ tục để người dân dễ tiếp cận.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Công an phường Vĩnh Tuy. Ảnh: P.V
Bà Nguyễn Thị Thành, 68 tuổi, cư dân phường Vĩnh Tuy, cho biết: “Tôi đến để nhờ cán bộ hỗ trợ cập nhật thông tin bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID. Tuổi cao, con cái thì đi làm xa, không biết thao tác điện thoại, nhưng được hướng dẫn rất tận tình nên tôi thấy rất yên tâm”.
Người trực tiếp hỗ trợ bà là Đại úy Trương Hồng Sơn, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin. Với thái độ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, Đại úy Sơn đã hướng dẫn bà Thành từng bước đăng nhập, xác thực, cập nhật dữ liệu, giúp bà hoàn tất toàn bộ quy trình ngay tại chỗ.
Cư dân phường Vĩnh Tuy. Ảnh: P.V
Tại trụ sở Công an phường Hoàn Kiếm, một khu vực tiếp dân khang trang được bố trí riêng biệt để tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính như cấp căn cước công dân, đăng ký xe, tạm trú, tạm vắng... Đội ngũ cán bộ được phân chia theo các khu vực chuyên trách, giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi của người dân. Những người cao tuổi, người khuyết tật cũng được ưu tiên hướng dẫn và xử lý thủ tục một cách chu đáo.
Cũng trong ngày đầu vận hành, theo thống kê sơ bộ, hàng nghìn lượt người dân đã đến thực hiện thủ tục hành chính tại các phường, và hầu hết đều được giải quyết trong ngày. Một số phường có khối lượng công việc lớn như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy đã chủ động bố trí thêm lực lượng hỗ trợ, thậm chí làm việc ngoài giờ hành chính để bảo đảm phục vụ kịp thời.
Trụ sở Công an phường Tây Hồ. Ảnh: P.V
Từ chủ trương đến thực tiễn, khẳng định hiệu quả mô hình
Mô hình công an phường mới được triển khai theo hướng “bộ máy gọn – chức năng rõ – con người mạnh”, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy và Nghị quyết 37-NQ/TW về sáp nhập đơn vị hành chính. Với việc bỏ cấp trung gian (cấp huyện) trong hệ thống công an, mô hình mới hướng đến việc rút ngắn luồng xử lý công việc, giảm tầng nấc trung gian, đồng thời tăng cường sự hiện diện của lực lượng công an ngay tại cơ sở – nơi gần dân nhất.
Việc tổ chức ba điểm tiếp dân tại những phường lớn như Tây Hồ không chỉ giúp giảm tải cho từng điểm mà còn tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận dịch vụ công. Đây cũng là cách để bảo đảm các nhiệm vụ an ninh trật tự không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi mô hình.
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Công an phường Đông Ngạc, Hà Nội. Ảnh: P.V
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ như nền tảng VNeID trong xác thực danh tính, tích hợp dữ liệu dân cư và thực hiện dịch vụ công cũng được đẩy mạnh, đặc biệt hỗ trợ tốt cho nhóm người yếu thế như người già, người dân tộc thiểu số, người chưa thành thạo công nghệ.
Tại lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an TP về tổ chức, cán bộ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính xã, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định mô hình mới không chỉ thay đổi về tổ chức mà còn là bước chuyển về tư duy phục vụ Nhân dân. Tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” tiếp tục được cụ thể hóa qua từng quy trình, thao tác và trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ tại cơ sở.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: ĐBND
Ngày đầu tiên vận hành theo mô hình mới của Công an Hà Nội cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức bài bản và tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng Công an phường. Không chỉ là sự thay đổi về bộ máy, đây còn là bước tiến về phương pháp phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, tăng cường ứng dụng số, thúc đẩy hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Những kết quả ban đầu là tín hiệu tích cực cho một quá trình cải cách dài hạn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” trong lực lượng Công an Nhân dân.