Đã xây dựng 232 vị trí lãnh đạo để cải cách tiền lương
Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ triển khai kịp thời để các địa phương, bộ, ngành hoàn tất đề án vị trí việc làm trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Khẩn trương triển khai để kịp cải cách tiền lương
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ sáng 7/11, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) khẳng định, về việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng rất quan trọng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới?", đại biểu chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, đến nay đã hoàn thành danh mục vị trí việc làm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cơ quan hành chính có 686 vị trí, đơn vị sự nghiệp có 615 vị trí và cán bộ công chức cấp xã là 17 vị trí.
Đặc biệt các chức danh vị trí lãnh đạo đến nay đã có Kết luận 35 của Bộ Chính trị, xác định tổng số 232 vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã, đã làm được bước đầu của việc xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương.
Dù vậy, bà Trà thừa nhận, việc xây dựng đề án vị trí việc làm được tiến hành từ 2016 tới nay theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (thuộc Bộ Chính trị) song vẫn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, căn cơ.
"Trong Chính phủ cũng còn 2 bộ chưa xây dựng xong. Chắc chắn 1 - 2 ngày nữa thì 2 bộ cũng hoàn thành nội dung này", bà Trà cho biết.
Với việc xây dựng vị trí việc làm đối với cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu ngành Nội vụ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là các cơ quan tham mưu vấn đề này sớm triển khai để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm, đáp ứng lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Bà Trà cũng khẳng định Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ triển khai kịp thời để các địa phương, bộ, ngành hoàn tất đề án vị trí việc làm trong hệ thống hành chính Nhà nước trong thời gian sớm nhất để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương mà Quốc hội quyết định tại kỳ họp này.
Cải cách tiền lương cho nhân viên trường học
Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đặt vấn đề, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, hiện lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi cải cách chính sách tiền lương mới thì có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?
Cho rằng nội dung câu hỏi thiết thực, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện còn khoảng 150.000 viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ, trong đó 37.817 nhân viên kế toán.
Nữ Bộ trưởng cũng thừa nhận, chế độ lương đối với viên chức, nhân viên trường học rất thấp, chưa đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới.
Theo bà, trước hết, đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học đảm bảo tinh thần Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ Thông tư 77 của Bộ Tài chính xem xét thêm làm sao có phương án rà soát, sắp xếp danh mục vị trí việc làm chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương với đối tượng này.
“Họ đang là viên chức không hưởng phụ cấp công vụ 25% nên tới đây xếp lương sang chính sách tiền lương mới sẽ thiệt thòi", bà Trà nói.
Đồng thời cho biết thêm trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với họ. Có những nhân viên kế toán 10 năm, họ là viên chức nhưng chưa được thi thăng hạng.
"Tới đây rà soát để xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trong trường học, đảm bảo khi thực hiện cải cách tiền lương có điều kiện xếp lương cho họ tốt hơn”, bà Trà cho hay và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đối tượng đặc thù vì nhân viên trường học thực hiện nhiều nhiệm vụ kiêm nhiệm.