Đại biểu Quốc hội: Thuế thu nhập cá nhân “lạc hậu”, thuế VAT “có không ít vấn đề”

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhận xét, quy trình thu thuế giá trị gia tăng (VAT) phức tạp, tốn kém, nhiều khâu trung gian, có rủi ro sai phạm. Còn thuế thu nhập cá nhân có nội dung “lạc hậu cả chục năm”.

Article thumbnail
Thuế giá trị gia tăng (VAT) được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, “cũng có không ít vấn đề”. Ảnh: QH

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 6, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Thuế thu nhập cá nhân không được cập nhật theo giá cả, lạm phát

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nói, nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước đã vượt qua nhiều sóng gió, thách thức, và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo ông, góp phần làm nên kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa. “Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay”, ông Lâm nhận định.

Dù vậy, đại biểu thấy nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập chậm được xem xét, điều chỉnh.

Ông Lâm dẫn chứng, thuế thu nhập cá nhân với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế; phân chia bậc lũy tiến; mức chiết trừ gia cảnh... không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... “Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn”, theo lời đại biểu đoàn Bắc Giang.

Thuế giá trị gia tăng (VAT) được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song theo ông Lâm, “cũng có không ít vấn đề”.

Bởi số thu lớn, số hoàn cũng lớn, khi năm 2022 thu 390 nghìn tỷ, hoàn 150 nghìn tỷ (chiếm 38%); 2023 ước thu 365 nghìn tỷ, hoàn 160 nghìn tỷ (chiếm 44%); năm 2024 dự toán thu 390 nghìn tỷ, hoàn 171 nghìn tỷ (chiếm 43%).

Đáng nói quy trình thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian.

“Thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn, kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách”, ông Lâm nhận xét và cho rằng, đây là vấn đề cần xem xét giải quyết căn cơ.

Cũng liên quan đến các sắc thuế, đại biểu Quốc hội nói, trong bối cảnh dịch bệnh gay gắt việc giảm thuế môi trường với xăng dầu, nhiên liệu bay là cần thiết. Nhưng kéo dài chính sách này và còn có ý kiến đề nghị tiếp tục kéo dài hơn nữa liệu có hợp lý.

“Bất đắc dĩ, dùng công cụ môi trường để ổn định kinh tế khi dịch bệnh phức tạp còn chấp nhận được. Nay tình thế mới, nếu tiếp tục kéo dài thì có phải “đánh đổi môi trường cho mục tiêu tăng trưởng”? Trong khi, chúng ta đang hô hào chuyển đổi xanh, kinh tê tuần hoàn..”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tương tự, việc giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô nếu tiếp tục cũng là điều đại biểu băn khoăn.

“Vì đây vẫn là mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa khuyến khích tiêu dùng, nhất là trong điều kiện ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải ngày càng trầm trọng hiện nay”, ông Lâm giải thích.

Tạo điều kiện cho địa phương cân đối hài hoà thu - chi

Đề cập đến bộ chi, ông Lâm nhắc lại báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách tính trên GDP luôn được duy trì trong giới hạn an toàn; thực tế bội chi thực hiện luôn thấp hơn dự toán.

Kết quả này có yếu tố tích cực về tăng hệ số an toàn nợ quốc gia, nhưng ở khía cạnh khác, ông Lâm lưu ý, khi vốn đầu tư không thể giải ngân nên không vay, nhất là vốn ODA. Điều này, có nghĩa không hoàn thành kế hoạch đầu tư, ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng cả ở hiện tại và giai đoạn sau.

Vì vậy, ông Lâm đề nghị Chính phủ quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính đảm bảo hiệu quả thời gian tới.

Với các chính sách miễn, giảm nộp ngân sách khác, ông Lâm đề nghị phải cân nhắc để bảo đảm nguồn lực ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ khác đã bị trì hoãn thời gian qua, cũng như cho các nhiệm vụ trong lộ trình tới đây cần thực hiện để xây dựng, phát triển đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.

Để bù đắp lại các khoản, chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ. Vì vậy, ông Sơn đề nghị, cần tạo điều kiện cho địa phương có tiềm năng thu từ lĩnh vực khác bù đắp lại, cân đối hài hoà giữa thu và chi.

Đại biểu Sơn ví dụ, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các tỉnh ven biển, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, cần tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển lĩnh vực này để có nguồn thu bù đắp.

Hay 21 tỉnh, thành phía Nam có lợi thế nguồn thu từ xổ số kiến thiết, nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công. Nhưng quá trình chi từ nguồn này, theo chính sách của Chính phủ, vừa qua đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới.

“Nên để HĐND của các tỉnh, thành quyết định việc sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết này cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương”, ông Sơn đề nghị.