Đại tướng Phan Văn Giang, Trưởng đoàn công tác Chính phủ làm việc với tỉnh Hà Tĩnh
Ngày 10-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chỉ đạo. |
Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì buổi làm việc. |
Hà Tĩnh là vùng đất có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Quân khu 4 và vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ. Đến nay, quy mô nền kinh tế Hà Tĩnh đạt gần 93.000 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/năm. Hà Tĩnh đã thu hút đầu tư và triển khai một số dự án công nghiệp lớn như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy cell pin VinES và Nhà máy sản xuất Pin Lithium của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng. Năm 2022, Hà Tĩnh thu ngân sách hơn 18.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Tĩnh thành lập mới gần 2.700 doanh nghiệp, lũy kế toàn tỉnh có 7.500 doanh nghiệp.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. |
Giải ngân đầu tư công các năm đạt khá, năm 2023 đến nay đạt gần 1.192/8.411 tỷ đồng, bằng 14,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước. Hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục được quan tâm đầu tư, lũy kế đến nay có 153 dự án trong và ngoài nước đang triển khai tại khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức 17,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khá, năm 2022 đạt 5,2 tỷ USD, duy trì trong nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị với Đoàn công tác Chính phủ các khó khăn, vướng mắc về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng; thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác quy hoạch; chính sách thuế, phí, lệ phí xuất khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xúc tiến thương mại, dịch vụ… Sau khi nghe ý kiến của tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương cũng đã làm rõ thêm nguyên nhân; trao đổi một số giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với các nội dung thuộc thẩm quyền; đề xuất một số cách làm linh hoạt, sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc của Hà Tĩnh. |
Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp một số vấn đề về lĩnh vực đầu tư. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, Hà Tĩnh cần có nhiều giải pháp hơn nữa, phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; bám sát thực tiễn; chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái với bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường phân cấp, phân quyền; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh. Chú trọng công tác giảm nghèo, an sinh xã hội; phát triển mạng lưới y tế để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần; lưu ý chất lượng dân số của nhóm dân tộc thiểu số rất ít người ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu. |
Đồng chí Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu ý kiến. |
Đại tướng Phan Văn Giang giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời gợi mở một số định hướng phát triển của Hà Tĩnh. Đại tướng yêu cầu Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị "Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị và nhân dân. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là cho hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương trong vùng, với các cực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm; đồng thời xử lý dứt điểm các tồn đọng.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Hà Tĩnh là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, do đó, phải thường xuyên quan tâm nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống để phát triển bền vững. Nhân buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, thường xuyên phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.