Dấu ấn cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2021 - 2022

Những năm gần đây, sau mỗi kỳ cuộc trao giải văn chương thường có không ít ồn ào. Nhưng riêng với các cuộc thi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), trong suốt hơn nửa thế kỷ, các giải văn chương được trao là thỏa đáng.

Các tác giả được trao đều khẳng định được mình, trở thành những tên tuổi văn học đĩnh đạc trên văn đàn. Điều đó là nền tảng, đồng thời cũng là thách thức với các cuộc thi sau, trong đó có cuộc thi thơ 2021-2022 vừa tổng kết, trao giải.

Ban chung khảo gồm nhà thơ Nguyễn Bình Phương-Trưởng ban; các ủy viên: Nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ Trương Đăng Dung, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Phùng Văn Khai và nhà thơ Đoàn Văn Mật. Ban chung khảo đã trao đổi, thống nhất thể thức chấm điểm và đọc rất kỹ, bám sát tiêu chí của cuộc thi.

Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam (ngoài cùng, bên trái) và lãnh đạo Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (ngoài cùng, bên phải) trao giải nhì tặng hai tác giả.Ảnh: THÀNH DUY 

Cuộc thi đã lựa chọn 830 bài thơ của hàng trăm tác giả từ hàng nghìn tác phẩm khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Từ núi công việc ấy, trong hai năm đều đã được Ban sơ khảo, Ban chung khảo lựa chọn, đón nhận và nâng niu trân trọng để chọn ra 11 gương mặt tiêu biểu là việc không dễ dàng. Đối với Tạp chí VNQĐ, nơi tổ chức cuộc thi, dù không ít kinh nghiệm nhưng các thành viên Ban biên tập, tiếp đó là các thành viên Ban sơ khảo, Ban chung khảo đều hiểu sâu sắc rằng: Các tác giả, nhất là độc giả rất trông chờ, kỳ vọng vào sự đánh giá, phẩm bình, cân nhắc và trao giải cho mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Đã có không ít cuộc thi lớn vì thiếu tính chặt chẽ, công tâm dẫn đến những ồn ào, thậm chí là sóng gió ở một ngành đặc thù như văn chương, nghệ thuật, nhất là đối với thơ ca. Ở thời điểm công nghệ thông tin phát triển, luôn chuyển động như hôm nay, việc chấm và trao giải dường như không còn thuộc riêng một tổ chức, cá nhân nào. Từ những nhận định không nằm trong văn bản mà nằm trong trí óc và lương tâm của mỗi thành viên, nhất là mỗi bạn đọc đang chăm chút yêu thương VNQĐ, thì những người trong Ban sơ khảo, Ban chung khảo đều phải hết sức cẩn trọng.

Không hẹn mà gặp, các thành viên chung khảo bỏ phiếu kín đều thống nhất không có giải cao nhất. Đây là một quyết định đúng đắn nhưng hết sức khó khăn. Có lẽ nào trong hàng trăm tác phẩm, rất nhiều tác giả nổi trội lại không thể chọn được một gương mặt đứng đầu? Không có “hoa hậu” của cuộc thi, liệu bạn đọc, người yêu mến văn chương có đồng hành, đồng thuận với chủ quan của người chấm không? Sau khi trao giải cuộc thi, nhiều tờ báo, các nhà phê bình, nhất là bạn đọc tham gia ý kiến, bình phẩm, nhận diện từng gương mặt, từng chùm thơ và đã đồng điệu, ủng hộ quyết định không có giải cao nhất là đúng đắn.

Từ các cuộc thi trước ở Tạp chí VNQĐ, các gương mặt trẻ thường chiếm khá đông thì lần này càng rất đông đã chứng tỏ sự chuyển động mới mẻ của thơ ca. Người đoạt giải cao là Phùng Thị Hương Ly mới vừa 30 tuổi. Tuổi ấy viết về chiến tranh, về người lính mà đã dày dặn chín chắn và thanh thoát ấn tượng để vượt lên vô số gương mặt, đĩnh đạc đoạt giải cao ở cuộc thi thơ Tạp chí VNQĐ thật rất đáng mừng cho văn chương viết về người lính, nhất là người lính hôm nay. Có những người như Hồ Minh Tâm, đã hàng chục năm viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không chỉ kiên trì, đau đáu với hình tượng người chiến sĩ mà còn là sự vượt lên chính mình, luôn chuyển động trong hành trình văn chương chữ nghĩa. Các tác giả trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đất nước, độ tuổi từ U20 tới U70 đều chuyển động, mới mẻ trong mỗi tác phẩm đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc, đa thanh của một cuộc thi, cho thấy sức hấp dẫn từ đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn còn mãi.

Trong một cuộc thi được bắt đầu và diễn ra ở vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội mà Ban tổ chức vẫn nhận được khối lượng bản thảo đồ sộ, phong phú, sâu sắc của mọi giai tầng trong xã hội đã hiển lộ niềm tin và lẽ sống, những suy tư hữu ích, những tri ân trầm hậu của lớp người hôm nay đối với máu xương đồng bào, chiến sĩ ta, với hình tượng và biểu tượng cao đẹp của người lính Cụ Hồ trên mọi mặt trận, đã và đang bước vào thi ca rất tự nhiên, đằm thắm.

Cuộc thi nào rồi cũng kết thúc. Giải thưởng đã được trao. Những người lính vẫn chắc tay súng, vững niềm tin nơi biên cương, hải đảo. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã và đang tiếp tục trở thành hình ảnh bình dị và sâu sắc, chân tình, ấm áp không chỉ hiện rõ ở thơ văn mà còn đang hiện rõ trong cuộc sống đời thường.

Hai giải nhì thuộc về tác giả Phùng Thị Hương Ly với các tác phẩm: “Trên những hố bom”; “Thổ Sơn”; “Viết ở Tiểu đoàn 804” và tác giả Hồ Minh Tâm với các tác phẩm: “Dìu mẹ đi thăm mộ mình”; “Đêm vọng”; “Mẹ kể”.

Bốn giải ba thuộc về các tác giả: Nguyễn Giúp với các tác phẩm: “Muối”; “Vệt rừng”; “Quê cũ”. Tác giả Nguyễn Thanh Hải với các tác phẩm: “Bên bìa bông súng”; “Buổi chiều của quê hương”; “Trên cánh đồng Á Rặt”. Tác giả Lê Thanh My với các tác phẩm: “Từng đoản nhớ”; “Bức tượng người lính thổi kèn ở nghĩa trang dốc Bà Đắc”; “Những bông hoa từ vách núi”. Tác giả Trang Thanh với các tác phẩm: “Tên tôi hai chữ thanh không”; “Khúc bi ai từ rừng hoa độc”; “Nếu đi hết sông này”.

Giải tư gồm 5 tác giả: Tác giả Nguyễn Đức Hậu với các tác phẩm: “Vĩ tuyến”; “Viết ở Kỳ Cùng”. Tác giả Bùi Sỹ Hoa với tác phẩm: “Ngày chị đi”. Tác giả Bùi Việt Phương với tác phẩm: “Bản ta”. Tác giả Vũ Quang Trạch với tác phẩm: “Gương mặt anh”. Tác giả Nguyễn Kiến Thọ với các tác phẩm: “Có một lần”; “Gửi người cuối sóng”; “Gặp sông Hồng nơi đất mũi”.

      

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI- Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 

Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết