Dạy sách Chương trình giáo dục địa phương chưa xuất bản, chuyện không chỉ có ở Bạc Liêu

Không riêng gì Bạc Liêu, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL hiện cũng không có sách dạy chương trình giáo dục địa phương. Giáo viên và học sinh học chay, việc biên soạn đã lâu nhưng chưa xuất bản khiến ngay cả tác giả viết sách cũng… buồn.

Liên quan đến việc dạy Chương trình giáo dục địa phương, Hiệu trưởng một trường THPT tại Sóc Trăng cho biết, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải chuyển từ file PDF sang file Word vì Sở Giáo dục gửi cả tệp nhiều phân môn. Giáo viên các phân môn phải chuyển, cắt, rồi mới gửi cho học sinh in hoặc photo lại.

Sách đã được biên soạn từ lâu nhưng chưa xuất bản, tỉnh Sóc Trăng đành photocopy rồi đóng lại quyển giảng dạy. Ảnh: Nhật Hồ

Sách đã được biên soạn từ lâu nhưng chưa xuất bản, tỉnh Sóc Trăng đành photocopy rồi đóng lại quyển giảng dạy. Ảnh: Nhật Hồ

Vị hiệu trưởng này nêu thực tế: “Nhiều khi, giáo viên dạy chay, học sinh học chay hoặc giáo viên soạn giáo án rồi trình chiếu trên máy chiếu, học sinh học theo nhưng không có sách để đọc, chuẩn bị và tìm hiểu kĩ bài học. Chính vì vậy hiệu quả chưa đạt như mong muốn”.

Do sách chưa được xuất bản, nhà trường phải photocopy đen trắng thế này để dạy, học sinh nhìn ảnh không hấp dẫn, sinh động. Ảnh: Nhật Hồ

Do sách chưa được xuất bản, nhà trường phải photocopy đen trắng để dạy, học sinh nhìn ảnh không hấp dẫn, sinh động. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đơn vị đã tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương rất sớm, nhưng vướng ở khâu đấu thầu, in ấn. Hiện đã khắc phục bằng cách đưa file tài liệu giáo dục địa phương xuống cho các trường giảng dạy. Tuy nhiên, theo ông Hồng, về lâu dài không thể làm vậy vì vướng bản quyền cũng như ảnh hưởng lớn đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại các nhà trường.

Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giao dục Đào tạo tỉnh Cà Mau - nêu thực tế địa phương còn thiếu nhiều giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để đáp ứng việc dạy 3 môn này từ lớp 3 theo chương trình mới. Để giải quyết tình trạng này, Cà Mau thực hiện tăng giờ dạy, tăng buổi thỉnh giảng của giáo viên hoặc điều giáo viên bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học. Ngoài ra, Cà Mau còn gặp khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương do thủ tục phải thông qua nhiều bước nên việc ban hành bị kéo dài.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Tài liệu giáo dục địa phương đã được tổ chức biên soạn, thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Nhưng việc in thành sách còn phải chờ hướng dẫn, nên trước mắt để đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình, phải sử dụng file để tổ chức dạy”.

Sách đã được biên soạn kỹ, nhưng chưa xuất bản đã được giảng dạy nhiều phụ huynh cho rằng có khác nào Giáo dục dạy sách lậu. Ảnh: Nhật Hồ

Sách được biên soạn kỹ, nhưng chưa xuất bản đã được giảng dạy khiến nhiều phụ huynh thắc mắc. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Tân cũng cho biết, ngày 3.6, đã diễn ra hội nghị để bàn biện pháp triển khai thực hiện việc in ấn tài liệu liên quan đến chương trình giáo dục địa phương.

Ngoài khó khăn trong khâu thẩm định giá nên không tổ chức đấu thầu được, một số tỉnh cho biết gặp vướng ở vấn đề kinh phí dành cho việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp và còn thiếu một số nội dung, không có quy định mức chi như: Biên tập, chế bản, mua tranh ảnh, thuê vẽ lược đồ... Vì vậy các tỉnh, thành phố rất khó mời các tác giả có trình độ chuyên môn tốt tham gia viết sách.

Một số tác giả biên soạn sách tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau cho biết họ chưa nhận được thù lao dù đã thực hiện công việc này từ lâu. Nguyên nhân, do chưa in thành sách nên chưa nhận được tiền. Năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn thành sách giáo dục địa phương ở các khối lớp 5, lớp 9, lớp 12 nhưng một vài địa phương không mời được tác giả có uy tín viết sách. Nguyên nhân, họ đã viết nhưng chưa trả tiền; quy định của Bộ Tài chính mức thù lao thấp nên không hấp dẫn.

Sở Giáo dục Đào tạo Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đều mong muốn có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc này, sớm đưa chương trình giảng dạy bài bản, đúng quy định.