ĐBQH: Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn mang “hình hài” một quy hoạch tỉnh, thành

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần được cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia; chỉ tiêu phát triển các lĩnh vực cần được xác định rõ để hình thành hình dáng phát triển của đất nước đến năm 2050.

Cần cụ thể hóa chiến lược phát triển tầm quốc gia

Một trong những vấn đề được các đại biểu ở Đoàn TP Hà Nội quan tâm là việc cụ thể hóa các chiến lược phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao các nội dung được đề cập trong Quy hoạch, song đại biểu cho rằng đây là quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia.

Cụ thể là các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng – hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ. 

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ. 

Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ, trong đó đưa ra những khuyến cáo nhiều hơn là một bản quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Trúc Anh thẳng thắn đánh giá, quy hoạch thiếu định lượng, thiếu những chương trình hành động, phương án cụ thể, dự án trọng điểm để hình thành hình dáng phát triển của đất nước đến năm 2050.

“Các chỉ tiêu phải đưa ra cụ thể theo từng giai đoạn thì mới giám sát thực hiện được” - đại biểu Trúc Anh nói. Đồng thời cũng cho rằng, quy hoạch quốc gia viết chung chung thì sẽ không ảnh hưởng đến các quy hoạch cấp dưới.

Tuy nhiên, đại biểu Trúc Anh bày tỏ băn khoăn về các con số cụ thể. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2031- 2050 khoảng 6,5%, như vậy các cực tăng trưởng như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải tăng trưởng gấp đôi so với bình quân cả nước thì mới kéo được tăng trưởng chung của cả nước.

Đặc biệt là tỷ lệ đô thị hóa 70-75%, đại biểu Trúc Anh băn khoăn con số 75% dân số sống trong lĩnh vực phi nông nghiệp, liệu chúng ta có khả năng đạt được không?

“Điều này cũng gây ra sự mâu thuẫn với phát triển nông nghiệp. Nếu tính như vậy chúng ta sẽ mất hết đất sản xuất nông nghiệp để dành cho đất phát triển đô thị. Đây là con số phải cảnh giác. Vì quan điểm của chúng ta là gìn giữ thiên nhiên, các loại đất cho tương lai sau này. Trình độ, mức sống của người dân được nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách sống giữa nông thôn và thành thị không. Đó mới là mục tiêu để chúng ta nhìn vào” – đại biểu Nguyễn Trúc Anh nói.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội), văn hóa là một lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Chính vì thế nếu quan tâm đến văn hóa thì quy hoạch tổng thể sẽ tốt hơn, phục vụ tốt cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng văn hóa chưa được quan tâm như những lĩnh vực khác. “Tại sao các chỉ tiêu cụ thể về phát triển văn hóa không đưa vào Quy hoạch quốc gia, nhất là những chỉ tiêu phát triển hạ tầng văn hóa? Nên thêm định lượng về văn hóa để thấy văn hóa cũng được coi trọng như các lĩnh vực khác, tạo động lực cho phát triển bền vững” – đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Làm rõ tiềm năng phát triển kinh tế biển

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quy hoạch đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển, tuy nhiên lại không đề cập đến ngành công nghiệp điện (điện gió, điện nắng).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 

Thực tế ở Việt Nam có rất nhiều đảo có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện này. Vì thế, trong Quy hoạch cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ra sao, quy hoạch thế nào? Đồng thời có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, làm nào để hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo để giúp ích cho phát triển lĩnh vực này.

Cùng với đó, việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, Quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới càng tốt, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều quan trọng nhất là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó thì Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. 

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên triển khai Quy hoạch này ở Việt Nam nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học.

Tuy nhiên theo đại biểu, việc triển khai thực hiện Quy hoạch ra sao cho hiệu quả mới là vấn đề các đại biểu cũng như người dân quan tâm. Đồng thời, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số”, “nền kinh tế xanh”; định hướng phát triển không gian biển…

“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch này chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta ra sao? Vì thế, chúng ta cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển” – đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) quan tâm đến quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan cần mở rộng thêm các khái niệm liên quan đến vấn đề tài nguyên, khí hậu…để phát huy lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển nông nghiệp sinh thái giá trị cao vào năm 2050 theo nội dung của Quy hoạch, đại biểu cho rằng cần chú ý đến các yếu tố khách quan và chủ quan để bảo đảm tính khả thi khi, bởi khi đó nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn dần và dân số già hóa.

Đồng thời, trong Quy hoạch cần hướng đến phát triển nông thôn bền vững với việc đầu tư phát triển mang tính chiến lược, có mục tiêu cụ thể cho việc xử lý rác thải ni lông nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Lượt xem: 4
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.