Đề nghị xây dựng luật cụ thể hoá quyền chuyển đổi giới tính

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí vừa lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính.

Theo đó, Cổng TTĐT Quốc hội đã công bố tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội khoá XV Nguyễn Anh Trí, Tiến sỹ y khoa, công tác lâu năm trong ngành y.

Về khái niệm Bản dạng giới, theo tờ trình, là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ. Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục.

Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính, một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế.

Hiện nay, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp; trong đó: châu Âu có 41/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Mỹ và Mỹ latin có 15/35 nước và vùng lãnh thổ, châu Phi có 01/54 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Đại dương có 02/14 quốc gia và vùng lãnh thổ có pháp luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.

Về thực trạng chuyển giới ở Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều chỉ cho phép xác định lại giới tính trong trường hợp "giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính" (khoản 3 Điều 36).

Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ (quy định chi tiết Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005) nghiêm cấm thực hiện: Việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, cả quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định số 88 là chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế về quyền con người và xu thế chung trên thế giới mà Việt Nam là thành viên, được khuyến nghị hoặc Việt Nam bỏ phiếu "thuận" cho việc ban hành nghị quyết.

Về chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật" (Điều 37) nhưng đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để: Cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế; cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới.

Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên: Chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỉ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn do sự kỳ thị của xã hội khiến khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới còn nhiều hạn chế.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, xuất phát từ cơ sở pháp lý còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu những quy định hướng dẫn thi hành dẫn đến nhận thức, quan điểm quản lý nhà nước về xác nhận lại giới tính, người chuyển giới còn chưa cởi mở nên việc xác nhận lại giới tính, người chuyển giới còn có những hạn chế, bất cập như:

Cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xác định và thay đổi các giấy tờ hộ tịch cho người có yêu cầu xác định giới tính khác giới tính khi sinh do chưa có quy định pháp lý đầy đủ

Người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mà mình mong muốn và thể hiện, bị tổn thương về tâm lý và phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Không có quy trình về can thiệp y học để thực hiện chuyển đổi giới tính về mặt cơ thể. Không có quy trình, thủ tục về chăm sóc sức khỏe đối với người chuyển giới.

Người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý trước và sau khi quyết định chuyển đổi giới tính do dịch vụ không sẵn có, xuất phát từ nguyên nhân chưa có các quy định pháp luật cho việc chuyển đổi giới tính.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng chưa coi quyền công nhận giới tính khác với giới tính khi sinh là một quyền nhân thân mà người chuyển giới thường bị coi là bệnh hoạn, lệch lạc về suy nghĩ, hành vi và lối sống.

Từ cơ sở thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Bản dạng giới là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân, bao gồm quyền chuyển đổi giới tính trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền con người nói chung, quyền chuyển đổi giới tính nói riêng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, Luật được xây dựng dựa trên những quan điểm: Thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người; Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người.

Thể chế hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 của Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, Luật cũng bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo đại biểu Trí, nghiên cứu trên thế giới cho thấy LGBT là cộng đồng người chiếm tỉ lệ từ 3 đến 7% dân số thế giới, trong đó tỉ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hoóc-môn) chiếm từ 0,3% đến 0,5% dân số.

Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3% thì Việt Nam ước đoán có khoảng gần 300.000 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người), lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới.

Như vậy, có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn, thậm chí còn bị xâm hại, ngược đãi.

Tỷ lệ người chuyển giới đã từng kết hôn rất ít (1,4%), đa phần là độc thân, chưa từng kết hôn (96,8%); 25% số người chuyển giới tham gia khảo sát đã can thiệp y tế, 75% số người chuyển giới chưa can thiệp y tế (chưa tiêm hoóc-môn, chưa phẫu thuật…).

81,8% người chuyển giới tham gia khảo sát chưa bao giờ công khai giới tính với cộng đồng.

59,6% số người chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hoóc-môn; 51,2% sử dụng hoóc-môn không rõ nguồn gốc từ những người bán hoóc-môn qua mạng Internet hoặc các nguồn tư nhân.

Minh Hoa (t/h theo Cổng TTĐT Chính phủ, báo Đầu tư Online)

Lượt xem: 10
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.