Đeo bám đến cùng để bảo vệ quyền lợi người lao động

Trước thực trạng về doanh nghiệp tại Tiền Giang nợ bảo hiểm xã hội của người lao động đã ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Báo Lao Động đã kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, đặc biệt là có ý kiến làm rõ với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH). Qua đó, phản ánh khách quan để bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi bị doanh nghiệp nợ BHXH.

Đeo bám đến cùng để bảo vệ quyền lợi người lao động

Trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thành Nhân

Giữa tháng 6.2023, Báo Lao Động đã đăng thông tin phản ánh về việc một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nợ BHXH của người lao động làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của họ.

Sau đó, được cơ quan phân công, phóng viên Báo Lao Động đã làm việc với cơ quan BHXH và liên tiếp đăng tải thông tin phản ánh vụ việc. Đồng thời, phóng viên cũng phản ánh vụ việc tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức. Với sự vào cuộc, theo đuổi quyết liệt của Báo Lao Động, cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc và đến tháng 8.2023, Công ty Cổ phần Châu Âu đã nộp hơn 380 triệu đồng nợ BHXH của người lao động.

Trả lời tại kỳ họp báo quý II/2023 do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức vào ngày 21.7, ông Võ Oanh Liệt - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang - cho biết, đối với doanh nghiệp từ 2 tháng trở lên không thực hiện trích nộp, cơ quan BHXH sẽ cử cán bộ xuống làm việc bằng biên bản. Đến tháng thứ 3, cơ quan BHXH sẽ thực hiện 2 cách gồm: Tổ chức thanh tra, kiểm tra đơn vị đó hoặc tổng hợp gửi cho tổ trưởng tổ công tác liên ngành.

Tổ công tác liên ngành này chủ yếu gửi thông báo nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị nợ chuyển nộp. Còn vấn để tổ chức thanh tra, kiểm tra thì đang vướng mắc do các thành viên trong tổ công tác không sắp xếp được để đi thanh tra, kiểm tra.

Theo báo cáo số 856 của bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 31.5.2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 1.356 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng từ 1 đến 6 tháng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với số tiền là 40,603 tỉ đồng. Ngoài ra, có 199 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng trên 6 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 72,468 tỉ đồng.

Trong thời gian tới, phóng viên Báo Lao Động sẽ tiếp tục đeo bám sự việc doanh nghiệp ở Tiền Giang nợ BHXH của người lao động và động thái cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang để tiếp tục phản ánh sự việc. Qua đó, phản ánh khách quan để bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi bị doanh nghiệp nợ BHXH.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết