25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội

"25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972" là tên cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn Phòng không 361 vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2022).

Toàn bộ cuốn sách là một công trình lịch sử được thống kê rất đầy đủ, chi tiết về 25 trận bắn rơi máy bay B-52 của Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn Phòng không 361). Đó là những kíp chiến đấu, diễn biến cụ thể của từng trận đánh; là lòng quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của mỗi chiến sĩ phòng không. Trận đánh thứ nhất của bộ đội tên lửa bắt đầu lúc 19 giờ 44 phút ngày 18-12-1972. Ngay đêm đầu, máy bay B-52 đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, đánh dấu sự khởi đầu lịch sử của quân và dân ta trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô. Tiếp đó là liên tục những trận đánh oanh liệt của quân và dân Hà Nội khi đối đầu với những “siêu pháo đài bay” và rất nhiều máy bay các loại của đế quốc Mỹ. Rồi đến cuối cùng là trận chiến thứ 25 của Tiểu đoàn 79 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 tại Yên Nghĩa, Hà Đông, “kết liễu” chiếc B-52 thứ 25 ngay trên bầu trời Hà Nội, kết thúc những tháng ngày oanh liệt trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, Nixon và Nhà Trắng buộc phải ra lệnh ngừng ném bom và ngồi vào bàn đàm phán...

“25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972” không chỉ thống kê về kết quả chiến đấu mà bằng lối kể đặc tả, trực diện, chân thực cùng với cách viết mềm mại của thể loại hồi ký lịch sử, các tác giả đã tạo sự cuốn hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách. Ở đó, ngoài những sự kiện lịch sử, vẫn còn nhiều yếu tố đặc biệt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam với cách đánh táo bạo, tạo nên những bất ngờ không chỉ cho kẻ địch mà cho cả chính chúng ta hôm nay.

Qua câu chuyện của những người trong cuộc năm xưa, những tư liệu trong sách đã khiến người đọc bị hấp dẫn không chỉ trong cách đánh, cách kể mà còn bởi ý chí, quyết tâm của mỗi con người ngày ấy. Với phương châm “người trước, súng sau”, trong suốt 12 ngày đêm, tại các trận địa, cán bộ, chiến sĩ phòng không đã phối hợp cùng quân và dân Hà Nội xây dựng nên một “lưới lửa dày đặc”. Điều đặc biệt ở cuộc chiến này đến từ sự quyết đoán của người chỉ huy; những mệnh lệnh dứt khoát, nhanh nhạy khi nhận thông báo từ các trắc thủ dải nhiễu; cách xử trí tình huống kịp thời khi thời cơ đến... tất cả đem lại những giá trị cụ thể, đó là những “siêu pháo đài bay” và hàng loạt máy bay chiến thuật yểm trợ cho B-52 của đế quốc Mỹ trở thành những “quả cầu lửa” trên bầu trời Thủ đô. Hàng loạt giặc lái Mỹ phải giơ tay đầu hàng, cúi đầu trước nhân dân Hà Nội ngày ấy. Những thất bại nặng nề trên bầu trời Hà Nội khiến giới chóp bu Nhà Trắng thực sự hoang mang; dư luận thế giới cũng bàng hoàng và làn sóng phản đối chiến tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng trở nên mạnh mẽ...

Bìa cuốn sách "25 trận bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972".

Đọc “25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972”, chúng ta càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa qua những phân tích tỉ mỉ và chi tiết của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu: “Trong cuộc sống, người xưa đã dạy: Mọi thành bại của một sự việc đều do “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Chiến thắng của bộ đội tên lửa phòng không Hà Nội tháng 12-1972 cũng không nằm ngoài những quy luật tự nhiên đó...”. Ông phân tích một cách rất kỹ càng về những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thắng lợi của quân và dân Hà Nội. Từ lời Bác dạy năm xưa, tình hình địch, sự chuẩn bị của ta... và đặc biệt là yếu tố con người trong chiến tranh. Ngày đó, những chiến sĩ tên lửa phòng không Hà Nội cũng như bao chiến sĩ khác trên khắp các chiến trường chống Mỹ trong cả nước, họ đều chung một quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ được mọi người dân tin tưởng và quyết tâm thực hiện bằng được. Từ niềm tin, họ biến thành hành động cụ thể trong công tác, lao động, sản xuất và đặc biệt là trong chiến đấu...

Những phân tích cụ thể, chặt chẽ trên từng phương diện của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Kiên đã cho ta thấy rõ hơn về ý nghĩa, giá trị và những điều đặc biệt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà trực tiếp là qua chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đã trở thành bản hùng ca bất tử; khẳng định sức mạnh của lòng người, sức mạnh của cuộc kháng chiến chính nghĩa; của sự đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, của sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam chúng ta.

50 năm đã trôi qua, song những bài học về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những giá trị của lịch sử dân tộc, giá trị của truyền thống hào hùng không chỉ của hôm nay mà của lớp lớp thế hệ mai sau.