Cần xử lý nghiêm những người đi xe máy trong đường cao tốc

Thời gian qua, tình trạng xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) đi vào các tuyến đường cao tốc diễn ra khá phổ biến, thậm chí nhiều trường hợp ngang nhiên đi ngược chiều, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ nguyên nhân này... Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn hành vi nguy hiểm nói trên, cần tăng mức xử phạt gấp nhiều lần hiện nay, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự...

Ghi nhận của chúng tôi tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng từ đầu cao tốc (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đến khu vực trạm thu phí Km188 (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), có khá nhiều xe máy lưu thông. Khi đến khu vực trạm thu phí, những phương tiện này quay đầu để đi ngược chiều khoảng 10m rồi tiếp tục đi về hướng huyện Thanh Trì. Điều đáng nói, phần lớn trường hợp cố tình vi phạm đều tháo biển kiểm soát để tránh bị phạt nguội. Hay như trên tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, đây là tuyến đường huyết mạch nằm ở phía Tây TP Hà Nội. Tuyến đường này luôn có nhiều phương tiện di chuyển với tốc độ cao. Theo quy định, xe máy không được lưu thông trên làn đường chính mà chỉ được di chuyển ở tuyến đường gom bên cạnh với thiết kế riêng biệt. Tuy nhiên, suốt dọc tuyến đường này có nhiều điểm ra vào, giao cắt, hầm chui, chính vì vậy, tình trạng người dân chạy xe máy vào đường dành riêng cho ô tô thường xuyên xảy ra. Bất chấp nguy hiểm, nhiều người điều khiển xe máy vẫn vô tư “đồng hành” với ô tô ở làn cao tốc đến 80km/giờ. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất vào khung giờ cao điểm trong ngày.

 Nhiều xe máy ngang nhiên đi vào Đại lộ Thăng Long. 

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra do người điều khiển xe máy thiếu ý thức, cố tình đi vào đường cao tốc dành riêng cho ô tô. Ví dụ, ngày 5-5, anh T.V.L (sinh năm 1994, ở Hải Phòng) điều khiển ô tô khách lưu thông trên Đại lộ Thăng Long hướng Hòa Lạc-Trần Duy Hưng. Khi đi đến Km4 thì xảy ra va chạm với xe máy do chị N.T.T.V (sinh năm 2000, ở Vĩnh Phúc) điều khiển. Vụ va chạm khiến chị V tử vong tại chỗ. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Văn Luyến, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: “Dù lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý nhưng tình trạng xe máy lưu thông vào cao tốc vẫn diễn biến phức tạp. Tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long có nhiều điểm ra vào, giao cắt, hầm chui kết nối, đặc điểm hạ tầng cũng khiến việc chốt chặn hay tuần tra xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ có thể xử lý các trường hợp vi phạm tại điểm cuối đường chứ không thể ngăn chặn khi xe đang lưu thông vì rất nguy hiểm”. Anh Nguyễn Văn Tiến, tài xế taxi trú tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết: “Có những hôm tôi lái xe với tốc độ khoảng 80km/giờ trên Đại lộ Thăng Long thì xuất hiện nhiều xe máy lượn lách phía trước, thậm chí còn tạt đầu ô tô để di chuyển ra các đường gom. Bên cạnh nhiều người cố tình vi phạm thì cũng có trường hợp đi nhầm vào đường cao tốc. Vì vậy, theo tôi biển cấm phương tiện xe máy, xe thô sơ cần được đặt ở những vị trí dễ quan sát. Cơ quan quản lý cũng nên bố trí thêm biển báo nhắc lại để những người đi nhầm có thể di chuyển ra khỏi đường cấm ngay sau khi phát hiện nhầm đường”.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe máy đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW chia sẻ: “Mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Cần tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần, có thêm những hình phạt bổ sung như tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm”. “Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Trên thực tế, hầu hết vụ va chạm giữa xe máy và ô tô trên cao tốc đều để lại hậu quả nặng nề. Đơn vị cũng đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để xử lý tình trạng này nhưng do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành lập chốt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đi đôi với công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm khi điều khiển xe máy đi vào đường dành riêng cho ô tô...”, Thiếu tá Phạm Văn Luyến cho biết thêm.