Mó nước trong tín ngưỡng của người Thổ ở Quỳ Hợp

Mó nước là nguồn nước ngầm tự nhiên phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Với người Thổ ở miền Tây xứ Nghệ nói chung và huyện Quỳ Hợp nói riêng, mó nước có giá trị to lớn đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng bởi nó gắn với lịch sử của tổ tiên khi đi tìm mó để lập bản, lập mường rồi bảo vệ gìn giữ, gắn bó với mó.

Article thumbnail
Từ chỗ điểm sinh hoạt tín ngưỡng, mó nước trở thành điểm du lịch cộng đồng tại địa phương. Ảnh: Phan Giang

Tìm mó để lập bản, lập mường

Người Thổ xưa quan niệm về bảo vệ trông coi mó nước như bảo vệ sự sống của cả cộng đồng. Cho đến những năm của thập niên 70 cuối thế kỷ XX, những lớp người đi trước và lúc bấy giờ họ còn hiểu rất rõ rằng mó nước có giá trị rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt, tưới tiêu và làm ăn sinh sống của cộng đồng làng. Không những thế, mó còn có giá trị rất thiêng liêng về tinh thần mang tính tâm linh.

Ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là địa bàn có đông người Thổ sinh sống, mó nước được truyền lại cho bao đời nay. Họ vẫn kể và dạy cho con cháu rằng mỗi mó nước của mỗi làng đều có truyền thuyết và những làng có mó thường đặt tên làng vào tên mó hoặc thêm dấu cho lệch âm đi một chút.

Ví như vùng Thổ xã Nghĩa Xuân có mó làng Mo, làng Mó, làng Cốc Chát; ở xã Minh Hợp có mó chùa La; ở xã Văn Lợi có mó làng Mo, làng Sồng; hay xã Hạ Sơn có mó làng Đồng Nang, mó Món...

Các mó xưa đều có đền thờ, có người trông coi được dân làng cắt cử theo nhiệm kỳ, hay hàng năm, phải là người có uy tín trong làng, biết hành nghi tín lễ của mó. Mỗi mó đều cúng vị thần nó, cơ bản là cúng thần chúa nó, thần "thổ công, long mạch" có nghĩa là cúng thần thổ địa.

Các mó thường tế thờ vào dịp tháng 2 và tháng 6 Âm lịch, cầu cho vua cha Ngọc Hoàng, các vị thần linh phù hộ độ trì, cho nguồn nước chảy mãi không cạn, mưa lũ không lở, nước không đục, mưa thuận gió hòa, cầu cho cơm có lúa nhiều, ao chuôm đầy nước đồng ruộng tốt tươi...

 Hàng năm, người dân xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân đều thực hiện việc khơi thông mó nước. Ảnh: P.G

Tín ngưỡng người Thổ

Trên thực tế cuộc sống, mó nước của mỗi làng có thể cung cấp nước tưới cho hàng trăm, hàng ngàn hecta ruộng lúa, phục vụ cho việc tắm rửa tưới tiêu và nước uống cho bao nhiêu con người.

Mó không bao giờ cạn, nếu cạn thì các làng đều không có nước, đồng nghĩa với việc "mó kiệt, làng suy". Để có mó, từ xưa tổ tiên đã phải đi tìm kiếm và đấu tranh giành giật với thiên nhiên, với các loài thú dữ, thậm chí có những cuộc chiến tranh giành mó với các tộc người, các dòng họ phải hy sinh đổ máu mà trong truyền thuyết kể lại cho đến nay họ không muốn nhắc lại vì lâu lắm rồi, hơn nữa nó có ảnh hưởng đến một số tộc người, các dòng họ, các làng thời tổ tiên đã giành nhau lấy mó.

Mó thiêng, từ xa xưa đã kiêng kị không ai dám nói tục, phóng uế bừa bãi tại cửa mó. Có nhiều câu chuyện được người dân lưu truyền bằng miệng thực hư không rõ, không ai kiểm chứng song các thế hệ con cháu người Thổ nơi đây vẫn tin rằng linh thiêng của mó là kết tinh tín ngưỡng của bao thế hệ con người để kính trọng tôn thờ. Họ coi mó là một tài nguyên thiên nhiên được trời đất ban tặng cho làng và nối tiếp bao thế hệ luôn ghi nhớ công lao của người có công khai lập ra mó, xem mó vô cùng thiêng liêng nên họ tôn thờ đó là thần Mó và chúa Mó. Hơn nữa, với người Thổ, họ có thêm điều cấm, đó là không ai được chặt phá rừng đầu nguồn.

 Lễ hội bốc Mó thu hút đông đảo người dân trong vùng. Ảnh: P.G

Gìn giữ và bảo tồn mó nước

Nguồn nước từ mó chảy ra đã đủ phục vụ tưới tiêu cho cuộc sống sinh hoạt của mỗi làng từ xưa tới nay. Cho nên về lợi ích thì ai cũng đã rõ, thế nhưng hiện tại một số khu mó ở huyện Quỳ Hợp đã bị tàn phá và xâm hại rất nghiêm trọng, như chặt đốn cây to ở đầu nguồn, làm ruộng, đào ao hai bên dòng chảy làm nguồn nước phân tán, khiến nước mó đã giảm từ 15- 20 cm.

Nguy cơ mó cạn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt với thực trạng môi trường khí hậu hiện nay. Là những người dân được sinh ra và lớn lên ở mó nước ai cũng đều mong muốn các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng nhân dân hãy chung tay xây dựng quy hoạch quản lý chăm lo bảo vệ, bảo tồn gìn giữ một cách bền vững để phát huy những mó nước một cách hiệu quả hơn. Hơn hết những hành nghi tín lễ nơi cửa mó cũng được tôn tạo để những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Thổ nơi miền Tây xứ Nghệ được gìn giữ và bảo tồn.

 Một buổi sinh hoạt trong Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Thống

Bà Trương Thị Giang, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết, Nghĩa Xuân là xã cửa ngõ của huyện Quỳ Hợp, nằm trên Quốc lộ 48, có 2.386 hộ, với 9.940 khẩu, 2 dân tộc chủ yếu là Kinh và Thổ cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng như trang phục, tiếng nói, ẩm thực, trò chơi, các môn thể thao truyền thống, các lễ hội. Các hoạt động văn hóa được tổ chức ngày càng quy mô, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng.

Đặc biệt, trong những năm qua phong trào phát triển các giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc Thổ đã được các cấp các ngành từ tỉnh, huyện, xã quan tâm, nhất là việc địa phương ban hành nghị quyết về việc “bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025”.

Đến nay, xã đã xây dựng được các câu lạc bộ; phục dựng lại các lễ hội, các nghề thủ công, như: Câu lạc bộ Cồng chiêng, Câu lạc bộ Dân gian dân tộc Thổ, Lễ hội Bốc Mó, Lễ hội Rước bà Chúa Mó tại thành hoàng làng…

Lượt xem: 11
Nguồn:thanhtra.com.vn Sao chép liên kết