Nguyễn Văn Hiển - Người thương binh, bệnh binh làm kinh tế giỏi
Anh dũng trong thời chiến, tích cực làm kinh tế trong thời bình là tinh thần của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hiển năm nay 68 tuổi và có 48 năm tuổi Đảng. Ông là tấm gương sáng, điển hình cho lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”.
Tìm đến xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) hỏi thăm nhà CCB Nguyễn Văn Hiển không ai là không biết. Người dân nơi đây vẫn thường gọi ông là “Thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi”. Ông Nguyễn Văn Hiển là bệnh binh 80%, thương binh 54%, tuy vậy ông vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không những đảm bảo cuộc sống gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiển là tấm gương tiêu biểu "thương binh tàn nhưng không phế" của xã Đồng Lạc. |
Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hiển lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1974 khi tham gia chiến đấu tại miền Nam ông đã bị một mảnh kim loại găm ở gáy. Sau đó ông có 6 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia (kể từ tháng 1-1979). Trong quá trình chiến đấu làm nhiệm vụ tại nước bạn, tháng 12-1984, ông đã dẫm phải mìn khiến mất đi một phần chân trái dưới gối. Sau đó ông đã được sơ cứu ngay tại rừng, rồi chuyển đến điều trị tại bệnh xá gần 1 tháng. Đến đầu năm 1985 ông được đưa về Cần Thơ để tiếp tục điều trị, tháng 12-1985, ông được chuyển về Gia Lâm (Hà Nội) an dưỡng. Năm 1988, ông xuất ngũ trở về quê nhà hưởng chế độ thương binh, bệnh binh.
Bà Nguyễn Thị Năm – vợ ông Hiển tâm sự: “Năm ấy thấy chồng xuất ngũ trở về, cơ thể không còn được lành lặn, tôi thương chồng, các con thương bố chỉ biết kìm nén cảm xúc trong tim. Chiến tranh thật tàn khốc đã để lại đau thương cho biết bao người. Tôi tự hào vì chồng đã góp một phần công sức vào bảo vệ Tổ quốc”.
Sau khi xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, kinh tế nhà ông Hiển gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông Hiển có 3 người con, lúc bấy giờ con cả mới 7 tuổi, con út thì 2 tuổi. Để có thể trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học, ông Hiển đã bàn với vợ nuôi lợn để tạo thêm thu nhập. Ban đầu vốn không có nhiều, ông Hiển đã vay mượn thêm để mua 7 con lợn nái về nuôi.
Ông Hiển làm giàu từ chăn nuôi lợn. |
Mặc dù một bên chân đã bị cụt dưới gối, việc đi lại rất khó khăn, ông phải phụ thuộc vào chiếc chân giả; ấy vậy mà, tại thời điểm đó hàng tuần ông vẫn đạp xe cách nhà gần 20km đến chợ Mai Lĩnh (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) mua gạo về nấu rượu bán. Không những vậy, sau này có được chút vốn ông còn mạnh dạn mở rộng trang trại nuôi thêm 1.000 con gà công nghiệp và đầu tư thêm dụng cụ để làm đậu phụ bán.
Một thời gian, ông Hiển thấy hai vợ chồng đã rất vất vả làm nhiều công việc cùng lúc để mưu sinh nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao. Chính vì vậy, ông đã quyết định tập trung đầu tư mở rộng trang trại lợn. Tính đến thời điểm hiện tại, trang trại của gia đình ông Hiển đã được mở rộng diện tích 2.800m2. Trong đó, gồm một khu chăn nuôi lợn khép kín với 80 con lợn nái và gần 400 con lợn thịt. Hiện nay thu nhập từ chăn nuôi lợn đã mang về cho gia đình ông mỗi năm từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn trồng thêm một số cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đỏ, nhãn… hằng năm đều mang lại thu nhập tương đối ổn định cho gia đình.
Vườn cây ăn quả nhà ông Hiển. |
Để có thành quả như ngày hôm nay, ông Hiển đã phải trải qua biết bao khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thời điểm khi mới bắt tay vào gây dựng trang trại, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, tình hình dịch bệnh, trượt giá... Nhưng với sự động viên của gia đình, tâm niệm giữ trọn phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và để góp sức xây dựng quê hương.
Ông Hiển cho biết: “Để có thêm kinh nghiệm trong các khâu trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi đã tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt tại địa phương. Đồng thời, học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ trang trại của bà con các xã lân cận và qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chương trình “Bạn của nhà nông” được phát sóng trên kênh VTV2 mỗi ngày..., qua đó tôi có thể đúc rút kinh nghiệm cho việc phát triển kinh tế trong gia đình”.
Qua những việc làm và cống hiến của mình, ông Hiển nhận được nhiều huân chương, huy chương và giấy khen từ các cấp. |
Song song với việc làm kinh tế, ông Hiển còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội cựu chiến binh xã và địa phương. Ông cũng thường xuyên vận động người dân trong thôn, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ gia đình. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xóm từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, trên địa bàn xã Đồng Lạc đã xuất hiện thêm nhiều mô hình trang trại đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Đào Xuân Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Lạc bày tỏ: “Ông Nguyễn Văn Hiển là một thương binh, bệnh binh tiêu biểu của xã Đồng Lạc. Ông Hiển đã vượt lên khó khăn và xây dựng kinh tế gia đình phát triển, nuôi dạy con cái tốt. Bên cạnh đó luôn tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương, của Hội. Ông Hiển là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu để hội viên Hội Cựu chiến binh học tập và làm theo”.