Nhân rộng những vùng an toàn dịch bệnh động vật - đòi hỏi cấp thiết

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tương đối tốt, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc xây dựng và nhân rộng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là đòi hỏi cấp thiết.

Dịch bệnh trên động vật giảm

Trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm xảy ra nhiều, đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thậm chí, có những bệnh lây sang người như cúm gia cầm. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành đã có sự vào cuộc chủ động, tích cực, khiến các loại dịch bệnh cơ bản được giảm thiểu và khống chế.

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, các loại bệnh trên gia súc, gia cầm đều giảm. Hiện tại, cả nước không có ổ dịch lở mồm long móng, tất cả những ổ dịch cúm gia cầm đều được tiêu hủy và không có ổ dịch nào đang hiện hành.

Những tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt.

Những tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt.

Đối với bệnh viêm da nổi cục, Việt Nam cũng đã nghiên cứu thành công vaccine. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 xã trên cả nước có bệnh viêm da nổi cục. Đối với dịch tả lợn châu Phi, có 40 xã có dịch chưa qua 21 ngày… Tất cả những con số đáng mừng đó nói lên việc Việt Nam đã và đang xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh rất tốt.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mục tiêu của ngành là xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) tại vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó là nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Khắc phục những hạn chế của chăn nuôi

Chia sẻ về yêu cầu bức thiết của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, việc xây dựng các cơ sở an toàn, vùng an toàn dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất của ngành chăn nuôi. 

 Tính đến nay, cả nước đã có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, TP được Bộ NN&PTNT chứng nhận an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

“Chúng ta phải khẳng định kiểm soát dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Bởi chúng ta có đường biên giới rất dài, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ phần trăm cao, loại vật nuôi nào chúng ta cũng nuôi, và dịch bệnh nào chúng ta cũng có….” - ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết tại Việt Nam vẫn yếu. Nếu không có chuỗi chăn nuôi, Việt Nam không thể tồn tại được trong bối cảnh dịch bệnh và thị trường biến động như bây giờ.

Kiểm soát vấn đề xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi cũng là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Công tác này phải có sự tham gia của liên ngành, từ Bộ đội Biên Phòng đến chính quyền địa phương chứ không chỉ cơ quan thú y, Bộ NN&PTNT. Phải bảo vệ được thị trường sản xuất trong nước thông qua kiểm soát tốt vấn đề xuất nhập khẩu.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá thêm, rằng không gian chăn nuôi của Việt Nam đang ngày càng thu hẹp. Do đó phải nhìn nhận thấu đáo để có chính sách hỗ trợ thêm, cùng với ngành chăn nuôi đồng hành với doanh nghiệp xử lý được những khó khăn, bất cập nêu trên nhằm thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi.

Lượt xem: 3
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết