Xanh đồi… Gia Lai

Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, với hơn 845.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng bao năm nay, người nông dân nơi đây vẫn loay hoay với nhiều loại cây trồng để thoát nghèo. Gần đây, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu đã được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Article thumbnail
Nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai. Ảnh: N.P

Bây giờ, nói đến nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Nguyên phải nói đến Gia Lai, vì có thế mạnh về thổ nhưỡng và chính sách đầu tư khá trọng tâm, đồng bộ.

Gia Lai đã xây dựng đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, sẽ có khoảng 120.000ha được triển khai với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất rau, quả lớn của cả nước.

Năm 2023, toàn tỉnh có 53 dự án (DA) mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 5.720 tỷ đồng.

Một số DA đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả cao như: DA trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (huyện Đak Đoa), DA Trung tâm Giống cây trồng chất lượng cao (huyện Chư Pưh); DA Nhà máy chế biến trái cây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP Pleiku); DA Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Gia Lai chuyển 6.599,7ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường...

Toàn tỉnh hiện có hơn 255.668ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO, chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng. Có 209 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.281ha và 33 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.345 - 1.495 tấn quả tươi/ngày, phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Toàn tỉnh có 589 nhãn hiệu hàng hóa nông sản đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, có khoảng 237.347ha diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đối tượng tham gia liên kết gồm 88 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 23.806 hộ nông dân và 61 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, riêng lĩnh vực nông nghiệp, đến nay tỉnh đã thu hút được 258 DA đầu tư, qua đó đã hình thành 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500ha, tập trung vào các sản phẩm cây trồng có thế mạnh như: Cà phê, sầu riêng, thanh long, chuối, ớt, hồ tiêu, bơ, hoa, dược liệu…

 Khảo sát mô hình cây giống chanh dây của Cty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên, TP Pleiku, Gia Lai. Ảnh: N.P

Tại huyện Đak Đoa đang triển khai DA Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 459ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; DA Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng...

DA Doveco Gia Lai (Cty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) đặt tại huyện Mang Yang được ví là trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Tây Nguyên, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu để xuất khẩu sang thị trường thế giới; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 80 - 90 triệu USD; giải quyết việc làm cho trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục nghìn nông dân khắp Tây Nguyên tham gia sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, cung ứng các sản phẩm nông sản.

Cty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đầu tư trồng hơn 400ha chuối tại xã Hneng và Ia Pết (huyện Đak Đoa), đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng hơn 800 công nhân. Sản phẩm thu hoạch đã xuất ra thị trường thế giới với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm.

Tỉnh đã tập trung thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với kinh tế hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng.

Gia Lai còn hỗ trợ Cty Cổ phần quốc tế Thông Đỏ (huyện Chư Pưh) triển khai khu sản xuất giống chanh dây hơn 12ha, ứng dụng công nghệ hiện đại, mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống cung ứng cho việc phát triển, mở rộng diện tích trồng loại cây hiệu quả kinh tế cao để xuất khẩu.

Năm 2024 được xác định là năm then chốt, tăng tốc để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Do đó, Gia Lai tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng Tây Nguyên và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường như: Cty Vĩnh Hiệp, OLAM, Cà phê Thu Hà, Cà phê Classic, Cty Trường Sinh, Cty Quế Lâm...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Gia Lai, đồng thời chỉ ra xu hướng sản xuất bền vững, tiên tiến.  

Cánh cửa đã mở ra. Trên đồi cao, đồi thấp mơn mởn màu xanh, như báo hiệu mùa Xuân mới tốt lành đang tràn về với bao dự định trong tương lai.

Lượt xem: 9
Nguồn:thanhtra.com.vn Sao chép liên kết