Đông Bắc Á 2022: Những khoảng sáng tối

Đông Bắc Á trải qua một năm 2022 không hề dễ dàng khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu hay cạnh tranh địa chính trị... đang tác động tới từng ngóc ngách của thế giới.

Có thể nói, “bóng ma” Covid-19 tiếp tục bủa vây Đông Bắc Á. Nhật Bản và Hàn Quốc đi đầu trong việc mở cửa hoàn toàn biên giới hướng tới “sống chung với lũ” nhờ tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc và mũi tăng cường cao. Tuy tốc độ lây nhiễm các biến chủng mới đã chậm lại nhưng có thể gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế các nước. Ủy ban chuyên gia phòng, chống dịch của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo khả năng xuất hiện làn sóng thứ 8 dịch Covid-19 tại nước này. Thậm chí, các chuyên gia y tế Hàn Quốc còn dự báo nguy cơ bùng phát đồng thời cả dịch Covid-19 và dịch cúm mùa ở xứ sở kim chi vào mùa thu-đông năm nay.

Đáng chú ý, sau 3 năm “bế quan tỏa cảng” một cách nghiêm ngặt kể từ khi virus SARS-CoV-2 lây lan, Trung Quốc cũng bắt đầu điều chỉnh nới lỏng một số hạn chế phòng dịch. Dẫu rằng còn chậm hơn khá nhiều so với hầu hết phần còn lại của thế giới, động thái này được coi như một bước ngoặt quan trọng cho thấy Bắc Kinh đang dần rời xa Chiến lược “Zero Covid” (không có ca nhiễm) nhằm tiến tới đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng tín hiệu vui đó từ Bắc Kinh sẽ giúp khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu bởi Trung Quốc sở hữu hệ thống sản xuất công nghiệp hoàn chỉnh nhất và lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa / Reuters. 

Hồi đầu năm, khi đà phục hồi của Đông Bắc Á mới nhen nhóm trở lại thì cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nhiều nước trong khu vực phải đối mặt với 3 “cơn địa chấn” cùng lúc, được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng. Đó là lạm phát cao, lãi suất cao và tỷ giá hối đoái với đồng USD cao. Tuy nhiên, với nội lực của mình, mỗi nước đều ghi nhận tăng trưởng dương dù còn rất khiêm tốn và chưa được như mong đợi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ước tính tăng trưởng của năm nay ở quanh mức 2,6%. Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương (BoJ) cũng bắt đầu thắt chặt tiền tệ sau khi duy trì chính sách siêu nới lỏng kéo dài gần một thập kỷ. Nhờ tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp tăng khả quan, Tokyo đã nâng dự báo tăng trưởng trong năm tài khóa 2022 lên 1,5%. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V, từ chỉ 0,4% trong quý II đã tiến tới 3,9% vào quý III, cho thấy sức bật lớn trong một năm đầy thách thức. Thậm chí, hoạt động kinh tế của đất nước tỷ dân được cho là sẽ còn cải thiện trong năm tới, với nền tảng mạnh, tiềm năng và động lực của nền kinh tế, chính sách tiền tệ thận trọng cùng sự hỗ trợ của các chương trình thúc đẩy tăng trưởng.

Điều đáng chú ý ở khu vực này là trong một năm đầy biến động vì dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng, bầu không khí chính trị-an ninh ở Đông Bắc Á - một trong những khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng của thế giới - lại ghi nhận những sắc thái trái ngược.

Sau một thời gian có phần trầm lắng, từ đầu năm đến nay, Triều Tiên phóng tên lửa với số lượng kỷ lục giữa lúc Mỹ tiếp tục chiến lược tăng cường năng lực phòng thủ cùng với các đồng minh trong khu vực, bao gồm việc tổ chức tập trận quy mô với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những hoạt động quân sự khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề. Tuy nhiên, không vì thế mà cánh cửa phi hạt nhân hóa Triều Tiên khép lại. Dù đang rơi vào bế tắc, đàm phán vẫn sẽ là cách tiếp cận cần được các bên ưu tiên. Có lẽ đã đến lúc các bên cùng nhau kiềm chế, thúc đẩy thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin để trở lại bàn đàm phán. Gần đây nhất, Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố những mục tiêu và nguyên tắc để xúc tiến “kế hoạch táo bạo” trong chính sách với Bình Nhưỡng của chính quyền Seoul, với tầm nhìn “bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, hòa bình và thịnh vượng”. Mỹ và đồng minh trong khu vực cũng phải đề cao đối thoại là phương thức hiệu quả nhất giúp đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trước mắt, để thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, Washington cần từ bỏ “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Ở chiều ngược lại, các mối quan hệ song phương dường như đang được chú trọng cải thiện, củng cố. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đồng thời tổ chức sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại thủ đô Bắc Kinh và Seoul. Theo xu thế xích lại gần nhau này, lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản hội đàm thượng đỉnh đầu tiên kể từ cuối năm 2019, trong đó nhất trí khôi phục mối quan hệ lành mạnh, nỗ lực giải quyết những bất đồng về lịch sử và lãnh thổ, cũng như tăng cường hợp tác ứng phó với mối đe dọa an ninh trong khu vực.

Nhìn chung, so với một số khu vực khác trên thế giới, Đông Bắc Á không đón nhận quá nhiều bất ổn trong năm nay. Tuy nhiên, những bất đồng “có thâm niên” chưa thể được thu hẹp. Vòng luẩn quẩn thị uy sức mạnh quân sự tiếp diễn do không bên nào chịu nhượng bộ khiến tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên còn nhiều chông gai. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dù ít được đề cập hơn nhưng không phải đã lắng dịu. Nhiều “sóng ngầm” trong các quan hệ song phương vẫn âm ỉ. Bước sang năm 2023, các nước Đông Bắc Á được kỳ vọng sẽ cùng chung tay hạn chế bất đồng, tăng cường hợp tác để vượt qua những thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài và tình hình địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết